Gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất

Những ngày qua, nhiều ngân hàng có động thái điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Theo nhiều ý kiến, động thái này xuất phát từ cả yếu tố chủ quan và khách quan. Trong đó, yếu tố mùa vụ cũng đáng lưu ý khi thời điểm cuối năm nhu cầu vốn luôn tăng cao, thanh khoản hệ thống ngân hàng khó tránh khỏi căng thẳng…

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank Vĩnh Phúc. Ảnh: HẢI THANH

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank Vĩnh Phúc. Ảnh: HẢI THANH

Xu hướng tăng lãi suất huy động

Gần đây nhất, ngày 20-11, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chính thức thông báo tăng lãi suất huy động lên tới 7,8%/năm, áp dụng tại tất cả các điểm giao dịch trên phạm vi cả nước. Theo đó, đối với kỳ hạn từ sáu đến 11 tháng, khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại SHB với số tiền gửi dưới hai tỷ đồng sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi 7,4%/năm; từ hai tỷ đồng đến dưới năm tỷ đồng và từ năm tỷ đồng trở lên sẽ được hưởng mức lãi suất lần lượt là 7,5%/năm và 7,6%/năm. Ðối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất áp dụng cho số tiền gửi dưới hai tỷ đồng là 7,6%/năm; từ hai tỷ đồng đến dưới năm tỷ đồng là 7,7%/năm và từ năm tỷ đồng trở lên là 7,8%/năm. So với biểu lãi suất trước đó, SHB đã điều chỉnh lãi suất tăng thêm lên tới 0,6%/năm.

Không những điều chỉnh tăng lãi suất nhằm thu hút khách hàng gửi tiền đối với các kỳ hạn trung, dài hạn, SHB cũng đã tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn dưới sáu tháng. Cụ thể từ ngày 13-10, SHB tăng 0,1%/năm lãi suất huy động (đồng Việt Nam) đối với tiền gửi các kỳ hạn từ ba đến năm tháng áp dụng cho tất cả các loại hình. Trên thị trường hiện nay, SHB đang nằm trong nhóm những ngân hàng dẫn đầu về lãi suất huy động. Ngoài SHB, một số ngân hàng khác như VPBank cũng tiếp tục tăng lãi suất huy động thêm khoảng 0,1%/năm so với mức lãi suất huy động thời điểm hồi tháng 10; ngân hàng OCB cũng điều chỉnh biểu lãi suất theo hướng tăng từ 0,1 đến 0,2%/năm, với mức lãi suất cao nhất đang áp dụng là 7,7%/năm cho kỳ hạn 36 tháng;…

Cùng với thị trường 1, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn trong xu hướng tăng và neo ở mức cao. Theo cập nhật báo cáo từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất trung bình tuần qua (từ 19 đến 23-11) tiếp tục xu hướng tăng trở lại đối với các loại kỳ hạn qua đêm, một tuần và hai tuần. Cụ thể lãi suất trung bình các kỳ hạn nêu trên tăng với biên độ từ 0,004% đến 0,05%.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhu cầu thanh khoản cao vào thời điểm cuối năm, cùng với sự chuẩn bị cho việc giảm giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 45% hiện nay xuống 40% từ ngày 1-1-2019 và sự dịch chuyển nhu cầu tín dụng từ USD sang VND là những áp lực cơ bản khiến lãi suất huy động tăng.

Sức ép tăng lãi suất cho vay

Những biến động của lãi suất huy động trên thị trường, phần nào dấy lên lo ngại lãi suất cho vay sẽ chịu tác động điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, lãi suất cho vay sẽ khó tăng, nhưng dư địa giảm gần như không có.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, về cơ bản, lãi suất đầu ra khó có thể tăng, bởi Chính phủ đã chỉ đạo và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết tâm tiếp tục giữ ổn định mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm. Mặt khác, khi ngân hàng tăng lãi suất đầu ra, doanh nghiệp thường sẽ có phản ứng. Do vậy, các ngân hàng phải có những giải pháp thay thế để bù đắp khoản thiếu hụt này thay vì tăng lãi suất đầu ra. “Nhưng sang năm sau, sức ép tăng lãi suất là rõ ràng khi trên thế giới lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương tăng nhanh, đà tăng lãi suất của Fed vẫn tiếp tục. Trong khi đó đối với Việt Nam, áp lực lạm phát vẫn còn lớn. Do đó theo tôi, khả năng NHNN có thể tính tới cân nhắc điều chỉnh nhẹ lãi suất điều hành, chủ yếu là lãi suất tái cấp vốn. Năm tới, NHNN có thể tăng nhẹ lãi suất điều hành lên một chút ở mức 0,25%”, TS Cấn Văn Lực nêu quan điểm.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, nếu lãi suất huy động tăng lên thì lãi suất cho vay cũng không thể nào giảm được bởi các ngân hàng phải giữ biên độ lợi nhuận tối thiểu nào đó. Hiện tại, biên độ lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam đang rất thấp nên không thể mong đợi các ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Chính vì vậy, mặt bằng lãi suất cho vay năm tới có khả năng sẽ tăng thêm chút nữa. “Theo tôi, ở thời điểm này, lãi suất tiền gửi cần phải chấp nhận ở mức có thể tăng nhưng cần phải kiểm soát mức độ tăng để nó không quá ảnh hưởng tới lãi suất cho vay, từ đó tác động đến doanh nghiệp”, TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.

Trong khi đó, đồng tình nhận định khó tăng lãi suất đầu ra, nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng cho rằng dù điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động nhưng ngân hàng không tăng lãi suất cho vay mà sẽ tiếp tục giữ ổn định từ nay đến cuối năm. Theo đó, bên cạnh sự hỗ trợ thanh khoản từ phía NHNN, các ngân hàng cố gắng thực hiện các giải pháp để giữ mặt bằng lãi suất, trong đó chú trọng giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động khác để bù đắp vào khoản chi phí lãi suất huy động tăng.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu NHNN điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng. Ðồng thời, có phương án từ nay đến cuối năm để bảo đảm không tăng lãi suất huy động, lãi suất liên ngân hàng nhằm tạo thêm sự linh hoạt khi ứng phó với các diễn biến bất lợi trên thị trường tài chính thế giới. Lãnh đạo NHNN tại một số cuộc họp với NHNN chi nhánh địa phương và ngân hàng thương mại cũng nhiều lần nhắc lại định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2018. Theo đó nhấn mạnh, đến cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất và chưa đặt ra yêu cầu tăng hoặc giảm lãi suất huy động và cho vay nên các ngân hàng cần chủ động tăng trưởng tín dụng gắn với các chỉ số an toàn vốn. “NHNN và Bộ Tài chính cũng trao đổi chặt chẽ, điều tiết lượng tiền từ Kho bạc Nhà nước, bảo đảm ổn định thanh khoản, lãi suất và không gây sức ép lên lạm phát”, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 29-10 vừa qua cũng nêu rõ.

HỒNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/38446902-gia-tang-ap-luc-len-mat-bang-lai-suat.html