Gia tăng áp lực lên lãi suất

Lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn bằng đồng USD dao động quanh mức 2,8-4,7%/năm, lãi suất tiền gửi USD đang được giữ ở mức 0%. Nhằm nâng cao sự hấp dẫn của việc nắm giữ tiền đồng và giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, lãi suất tiền gửi VND thường cao hơn tổng lãi suất tiền gửi USD và độ mất giá của VND. Điều đó cho thấy rõ áp lực lên lãi suất cho vay bằng tiền đồng.

Ngân hàng cần duy trì mức lãi suất hợp lý để đảm bảo việc nắm giữ VND hấp dẫn hơn so với USD.

Chủ động đẩy lãi suất

Từ khoảng cuối tháng 7 đến nay, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh lãi suất theo hướng nhích lên khoảng 0,1 – 1%/năm ở một số kỳ hạn. Diễn biến này được các ngân hàng lý giải là nhằm điều chỉnh và cân bằng danh mục kỳ hạn huy động vốn, đảm bảo tuân thủ theo quy định trong Thông tư 36 và Thông tư 19 của NHNN về cho vay dài hạn.

Theo đó, từ đầu năm 2019, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ mức 45% hiện nay xuống còn 40%. Ngoài ra, một số ngân hàng cũng điều chỉnh tăng lãi suất để đẩy mạnh huy động vốn, phục vụ nhu cầu tín dụng tăng cao vào cuối năm. Theo đó, việc tăng lãi suất chỉ mang tính chất cục bộ ở một số ngân hàng và không tác động nhiều lên lãi suất cho vay.

Trong khi đó, nhận định về hoạt động điều hành của NHNN thời gian qua, bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán SSI đã đưa ra những đánh giá tích cực. Cụ thể, NHNN đã có những bước đi rất thận trọng nhằm ổn định tỷ giá và lạm phát. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND qua đêm được đẩy dần từ 2% lên 4% và duy trì ở ngưỡng này từ giữa tháng 8. Trong khi đó, lãi suất USD vẫn ổn định quanh ngưỡng 2%, giúp tạo mức chênh lệch 2% khá an toàn. Như vậy, NHNN đã chủ động đẩy lãi suất VND không để xảy ra tình trạng chênh lệch lãi suất USD-VND cao gây áp lực lên tỷ giá.

Nhờ đó, sau khi tăng mạnh vào đầu tháng 8, tỷ giá tự do đã hạ nhiệt trong nửa cuối tháng 8, về mức 23.480/23.500 đồng/USD, chỉ tăng 0,13% so với cuối tháng 7.

Báo cáo của SSI cũng cho thấy, thanh khoản ngân hàng bị siết lại đã có phản ánh rõ nét hơn lên thị trường. Lãi suất huy động tăng không chỉ ở các NHTM cổ phần mà ở cả một số NHTM nhà nước. Lãi suất tăng ở tất cả các kỳ hạn, tuy nhiên kỳ hạn dài 12 tháng tăng mạnh nhất do các ngân hàng có nhu cầu chuẩn bị nguồn vốn cho đợt cao điểm cuối năm, đặc biệt khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ bị phải giảm từ 45% về 40% từ năm 2019.

Chính sách điều hành tăng trưởng tín dụng cũng hướng tới sự thận trọng hơn thông qua việc ban hành Chỉ thị 04/CT-NHNN, theo đó, NHNN sẽ không điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong năm 2018. Đây là biện pháp nhằm ổn định thanh khoản, kiểm soát lạm phát và quan trọng hơn là hướng dòng vốn tín dụng vào các mục tiêu hiệu quả. Số liệu từ Tổng cục Thống kê ước tính tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong 8 tháng mới đạt 8,18%, đây là mức thấp nhất trong 4 năm qua. Nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng thực tế trong năm 2018 sẽ thấp hơn tương đối mục tiêu 17%.

Lãi suất sẽ tăng từ năm 2019

Trong báo cáo chuyên đề vĩ mô vừa được Công ty chứng khoán Rồng Việt công bố, ông Bernard Lapointe – Giám đốc Phân tích VDSC đưa ra dự báo lãi suất trong nước sẽ bắt đầu tăng lên từ năm 2019 do cả rủi ro bên trong và bên ngoài nền kinh tế. Liên quan tới các rủi ro từ bên ngoài, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn đang trực tiếp gia tăng chi phí vay mượn trên quy mô toàn cầu sau thập kỷ nới lỏng. Hiện đa phần các nhận định đều cho rằng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 2 lần trong năm 2018 khi lạm phát đang tiến gần đến mức mục tiêu. EU giảm mua tài sản từ mức 30 tỷ EUR xuống 15 tỷ EUR/tháng vào tháng 9 và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Ngân hàng Trung ương Anh đã nâng lãi suất từ 0,5% lên 0,75% trong tháng 8 và Canada đã nâng lãi suất 2 lần trong năm nay… Các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Argentina… cũng liên tục nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát và bảo vệ đồng nội tệ. Đồng tiền của hầu hết các nước này đều đã mất giá đáng kể trong năm 2018.

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI, môi trường lãi suất thay đổi sẽ tác động tới sự dịch chuyển dòng vốn toàn cầu và có sức lan tỏa mạnh. Các nền kinh tế phát triển cần chuyển sang chính sách thắt chặt trước nguy cơ tăng trưởng nóng và lạm phát tăng cao sau một thời gian dài nới lỏng tiền tệ. Các thị trường đang phát triển cũng phải đối mặt với rủi ro lạm phát tăng nhanh và sự mất giá đồng nội tệ. Các thị trường này có thể chịu rủi ro lớn khi dòng vốn bị rút ra để tìm về các tài sản an toàn một khi thị trường có biến động mạnh.

Liên quan tới các rủi ro nội tại, theo VDSC, lạm phát gia tăng mạnh mẽ đang trực tiếp tạo sức ép lớn lên lãi suất. Kể từ sau khi chạm đáy vào năm 2015, lạm phát bắt đầu hồi phục và liên tục gia tăng trong các năm sau đó. Giá dầu thô và thực phẩm tăng cao đang đóng vai trò chi phối diễn biến lạm phát. Căng thẳng thương mại với việc các quốc gia dựng lên hàng rào thuế quan có khả năng sẽ đẩy lạm phát lên cao. Trong năm 2018, lạm phát được dự báo ở mức 4%, mức cao nhất kể từ 2014. Hiện tại, lãi suất tái chiết khấu chỉ ở mức 4,25%/năm, giảm từ 4,5%/năm vào tháng 7/2017 trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-12 tháng trên thị trường dao động quanh mức 6,5%/năm.

Bên cạnh áp lực từ lạm phát, tiền đồng mất giá cũng đe dọa chính sách lãi suất thấp của Việt Nam. Tính đến giữa tháng 8/2018, tỷ giá giao dịch ngân hàng đã tăng 2,7% so với hồi đầu năm trong khi tỷ giá trung tâm tăng 1,2%. Đáng chú ý, tỷ giá trên thị trường tự do có thời điểm đã tăng gần 4%. Trong khi lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn bằng đồng USD dao động quanh mức 2,8-4,7%/năm, lãi suất tiền gửi USD đang được giữ ở mức 0%. Nhằm nâng cao sự hấp dẫn của việc nắm giữ tiền đồng và giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, lãi suất tiền gửi VND thường cao hơn tổng lãi suất tiền gửi USD và độ mất giá của VND. Điều đó cho thấy rõ áp lực lên lãi suất cho vay bằng tiền đồng.

Khải Kỳ

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/gia-tang-ap-luc-len-lai-suat.aspx