Gia súc chết rét ở Huế: Truy trách nhiệm lãnh đạo chính quyền cơ sở

UBND huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) vừa chỉ đạo xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cấp xã nơi để xảy ra thiệt hại về chăn nuôi gia súc do chủ quan, thiếu sâu sát, trách nhiệm.

Liên quan đến sự việc gia súc chết hàng loạt do thời tiết giá rét, UBND huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) vừa chỉ đạo xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cấp xã nơi để xảy ra thiệt hại về chăn nuôi gia súc do chủ quan, thiếu sâu sát, trách nhiệm.

UBND huyện A Lưới yêu cầu UBND các xã, thị trấn trên địa bàn liên tục cập nhật tình hình diễn biến thời tiết khí hậu; chỉ đạo cán bộ chuyên môn, các tổ chức đoàn thể và trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thông tin, hướng dẫn kịp thời và thường xuyên để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc ứng phó, phòng, chống.

Hình minh họa

Hình minh họa

Chủ động bố trí ngân sách của địa phương để phục vụ công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn gia súc. Các địa phương này phải phân công cán bộ trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn gia cố chuồng trại để chống rét.

UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra tình trạng vật nuôi bị chết nhiều do các nguyên nhân chủ quan, không thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác phòng, chống đói, rét; báo cáo tình hình gia súc chết rét cho huyện định kỳ vào sáng thứ sáu hàng tuần và đột xuất khi có tình hình đột biến xảy ra.

Giao Phòng NN&PTNT huyện A Lưới thành lập đoàn kiểm tra, tham mưu đề xuất UBND huyện xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cơ sở nơi để xảy ra thiệt hại do chủ quan, khiến gia súc chết rét.

Như An ninh Tiền tệ đã đưa tin, tính đến ngày 14/1, tại Thừa Thiên – Huế có 948 con gia súc chết do mưa rét (chủ yếu giữa tháng 12/2020 đến nay). Trong đó, huyện A Lưới 909 con, gồm: 62 con trâu, 469 con bò và 378 con dê. Huyện Nam Đông có 39 con gia súc bị chết, trong đó nhiều nhất là xã Thượng Long 19 con và Hương Sơn 13 con.

Trước thông tin trên, Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đã có công văn gửi tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu lập các đoàn công tác để đánh giá hiện trạng, tìm nguyên nhân việc huyện A Lưới có hơn 900 con gia súc chết rét.

Đình Tuấn

Nguồn ANTT: http://antt.nguoiduatin.vn/gia-suc-chet-ret-o-hue-truy-trach-nhiem-lanh-dao-chinh-quyen-co-so-306895.htm