Quan niệm đúng, sai về chế độ ăn uống khi mang thai

Chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ rất quan trọng. Tuy nhiên, nhiều quan niệm ăn uống sai lầm đã gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ bầu và thậm chí là thai nhi.

Bạn phải ăn cho hai người

SAI: Quả thật, nhu cầu năng lượng sẽ tăng lên một chút khi mang thai. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta phải ăn cho 2 người, mà ăn nhiều hơn một chút để phù hợp với nhu cầu tăng lên. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mẹ bầu cần bổ sung thêm 70 calo mỗi ngày trong tam cá nguyệt đầu tiên (tương đương với trái cây hoặc sữa chua); thêm 260 calo trong tam cá nguyệt thứ hai (trái cây, sữa chua và một lát bánh mì) và 500 calo trong tam cá nguyệt thứ 3 (một bữa ăn nhẹ). Điều này đúng đối với hầu hết phụ nữ mang thai mà không gặp các vấn đề gì về sức khỏe.

Thỉnh thoảng uống 1 ly rượu

SAI: Hiện không có bất kỳ nghiên cứu nào xác định ngưỡng nguy hiểm của rượu. Vì thế, lời khuyên là rất rõ ràng: Nói “không” với rượu trong thời kỳ mang thai. Rượu là một chất độc đi vào máu của mẹ và con. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây chậm phát triển trí tuệ không có nguồn gốc di truyền. Vì vậy, không nên uống nhiều rượu, dù là: bia, rượu, cồn mạnh… Cũng nên tránh khi cho con bú vì cồn sẽ đi vào sữa mẹ.

Không được uống cà phê

SAI: Phụ nữ mang thai có thể uống không quá 200- 300 mg caffeine mỗi ngày, tương đương với 3 tách cà phê hoặc 5 tách trà. Vượt ngưỡng này, cà phê có thể là tăng nhịp tim của trẻ, cũng như gây căng thẳng và gián đoạn giấc ngủ ở mẹ bầu.

Chỉ ăn các sản phẩm ít chất béo

SAI: Trong thời kỳ mang thai, bạn cần ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, với các thành phần tự nhiên nhất có thể. Các sản phẩm ít béo thường ít chất dinh dưỡng tốt và nhiều chất phụ gia. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo các mẹ bầu tránh xa những sản phẩm chứa chất tạo ngọt như aspartame. Những chất này giúp mang lại hương vị ngọt ngào cho món ăn, nhưng tác động của chúng với sức khỏe là chưa rõ ràng. Vì thế, tốt hơn hết mà mẹ bầu nên hạn chế.

Không bao giờ ăn thịt và cá sống

ĐÚNG: Thịt và cá sống có thể chứa vi khuẩn và ký sinh trùng (listeria, salmonella, Toxoplasma gondii, E. coli...) gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai và thai nhi. Vì vậy, bạn phải nấu chín thịt và cá. Bạn cũng nên tránh động vật có vỏ sống, cá hun khói, trứng cá, thịt nguội (vì thịt xay nhỏ sẽ thúc đẩy sự phát triển của vi sinh vật), các chế phẩm có lòng đỏ trứng sống (mousse socola, mayonnaise).

Rau củ quả phải được rửa sạch

ĐÚNG: Điều này đặc biệt đúng đối với những phụ nữ không có miễn dịch với bệnh toxoplasmosis (khoảng 50% phụ nữ). Ký sinh trùng gây bệnh này có thể được tìm thấy trong đất và cả ở động vật. Do đó, lời khuyên là nên rửa rau sạch, nấu chín kỹ các loại thịt, tránh làm vườn và tiếp xúc với mèo. "

Phải ăn 2 con cá mỗi tuần, trong đó có 1 bữa cá béo

ĐÚNG: Đây là những gì Cơ quan An ninh Y tế Quốc gia Pháp khuyến nghị. Cá cung cấp nhiều chất dinh dưỡng tốt (protein, sắt, iốt, omega 3…). Tuy nhiên, cá béo lại có thể chứa các chất ô nhiễm (thủy ngân, PCB). Vì vậy, hãy ăn cá, nhưng không lạm dụng. Mẹ bầu có thể chuyển sang các loại cá béo nhỏ, ít bị ô nhiễm. Một đến hai hộp cá mòi hoặc cá trích mỗi tuần có thể cung cấp đủ omega 3, quan trọng đối với sự phát triển của não bộ của thai nhi

Nói không với Pho mát tươi

ĐÚNG: Dù pho mát làm từ sữa tươi chứa rất ít vi khuẩn listeria, song nguy cơ này vẫn tồn tại. Vì thế, loại thực phẩm này không được khuyến khích cho phụ nữ mang thai. Bệnh do vi khuẩn listeria có thể dẫn đến đẻ non và lây nhiễm cho em bé. Tuy nhiên, không có vấn đề gì với các loại pho mát được làm từ sữa tươi, nhưng bột được nấu chín.

Lưu ý: Phô mai sữa tươi không phải là nguồn vi khuẩn listeria duy nhất, vi khuẩn này cũng có thể có trong động vật có vỏ, thịt nguội hoặc thậm chí là hạt nảy mầm.

Có thể dùng thực phẩm bổ sung

ĐÚNG VÀ SAI: Phụ nữ mang thai được khuyên bổ sung axit folic (vitamin B9) một cách có hệ thống cho đến tuần thứ 10 của thai kỳ. Bởi axit folic tham gia vào quá trình đóng ống thần kinh (cột sống) của thai nhi một cách thích hợp. Bên cạnh đó là vitamin D từ tháng thứ 6 và có thể thêm sắt nếu cần thiết. Tuy nhiên, một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng vẫn là tốt nhất và việc bổ sung vitamin hay khoáng chất cần theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa./.

CTV Châu Nhi/ VOV.VN (biên dịch) Theo TopSanté

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/quan-niem-dung-sai-ve-che-do-an-uong-khi-mang-thai-875026.vov