Gia pháp của VFF có loạn?

Vòng 22 V.League cuối tuần qua những tưởng sẽ trôi đi êm thấm thì đùng một cái lại nổ ra vụ náo loạn trên sân Lạch Tray. Vấn đề là sau một vụ náo loạn thì gia pháp của VFF có vì thế mà cũng… loạn theo?

Khi đội nhà bị tình nghi "bán độ" "Bán độ! Bán độ!" - những tiếng thét dữ dội như thế liên tục vang lên trên khán đài sân Lạch Tray chiều chủ nhật tuần rồi. Nhìn cái cách đội nhà thi đấu rời rạc như những kẻ mất hồn trước một CLB TP HCM yếu ớt, người Hải Phòng không thể không nghi ngờ. Trên khán đài B, nhiều người hồi cố lại trận đấu trên sân Lạch Tray giữa hai đội năm ngoái, thời điểm mà TP HCM đang trở thành một "hiện tượng" của V.League nhưng vẫn bị Hải Phòng nện cho tơi tả đến 6-1. Bây giờ thì TP HCM nhìn chỗ nào cũng yếu, vậy mà 45 phút đầu tiên của trận đấu chính họ lại tạo ra nhiều cơ hội hơn. Thế nên người Hải Phòng khi xem trận đấu đều có cảm tưởng như mình bị… bội phản. Toàn cảnh sự cố sân Lạch Tray. Ảnh: Quang Minh. Hậu quả là người ta thi nhau ném chai lọ, giày dép, và thậm chí là cả máy di động xuống đường piste. Một cơn mưa vật thể lạ lớn chưa từng thấy khiến cho trận đấu nhiều thời điểm phải tạm hoãn. Sau trận đấu, HLV Lư Đình Tuấn của TP HCM cho biết, ông không thể tưởng tượng nổi bóng lại có thể lăn trong một hoàn cảnh kinh hoàng như vậy. Và theo ông Tuấn thì chính hoàn cảnh kinh hoàng ấy đã làm ức chế tâm lý các học trò ông. Tuy nhiên, người phải hứng chịu hậu quả lớn nhất có lẽ không phải là các cầu thủ TP HCM, mà là trọng tài biên Quốc Việt. Phút thứ 75 của trận đấu, sau khi bị một vật thể lạ bắn trúng chân, trọng tài Việt đã di chuyển tập tễnh, và ra hiệu xin được thay thế. Kết quả là trọng tài thứ tư Vũ Bảo Linh đã phải vào sân thế chỗ. Đây là lần đầu tiên tại V.League năm nay một trọng tài đã buộc phải xin thay thế trong tình trạng hoảng loạn tinh thần và chấn thương thể xác. Sân Lạch Tray sẽ bị treo? Khi sự cố náo loạn sân Lạch Tray xảy ra, ông Phó trưởng giải Nguyễn Hữu Bàng đang hiện diện trên ghế VIP. Ông Bàng nhìn thấy toàn bộ sự việc, và gương mặt ông trong nhiều thời điểm còn lộ rõ vẻ lo lắng. Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi ngắn với chúng tôi ngày hôm qua, ông Bàng đã từ chối đưa ra bất cứ ý kiến nào. Ông cho biết: "Mọi vấn đề về V.League hãy gọi cho Trưởng giải Trần Quốc Tuấn. Chúng tôi đã quy định rõ như vậy rồi". Theo chỉ dẫn của ông Bàng, chúng tôi đã thực hiện mọi phương án có thể để tiếp xúc với ông Tuấn, xong vẫn như mọi lần, điều chúng tôi nhận lại vẫn chỉ là một sự… bặt vô âm tín. Mặc dù những người có trách nhiệm có dấu hiệu đùn đẩy hoặc từ chối bộc lộ quan điểm của mình, nhưng có rất nhiều cơ sở để tin rằng sân Lạch Tray sẽ bị treo ít nhất một trận đấu. Nên nhớ là tại V.League năm 2006, một vụ náo loạn tương tự cũng đã xảy ra trên sân Long An, trong trận đấu giữa Đồng Tâm.Long An và Hoàng Anh.Gia Lai. Trận đấu ấy, sau khi phất cờ, báo việt vị một cầu thủ Đồng Tâm Long An, trợ lý trọng tài Châu Đức Thành đã trở thành đích đến của cả một cơn mưa chai lọ xuất phát từ trên khán đài. Thật không may, một viên đá đã bắn trúng đầu ông Thành, khiến trận đấu bị tạm hoãn, và vết thương của ông phải khâu 3 mũi ngay tức khắc. Sau sự cố này, VFF đã quyết định phạt sân Long An 20 triệu đồng và treo sân 1 trận. Tính chất của vụ náo loạn trên sân Long An năm 2006 và vụ náo loạn trên sân Lạch Tray 2009 là khá tương đồng. Trong cả hai vụ náo loạn này, khán giả đều đã thực hiện những cơn mưa vật thể lạ và trọng tài biên đều đã bị tấn công. Bởi vậy khi sân Long An bị treo 1 trận thì không có lý gì sân Lạch Tray lại không bị treo ít nhất 1 trận? Gia pháp có loạn? Chúng tôi buộc phải nhắc đi nhắc lại một phán quyết nực cười liên quan đến sân Lạch Tray tại V.League một năm về trước. Hồi ấy, sau một sự cố khán giả, cái sân cũng bị treo 1 trận, nhưng thay vì treo ở trận địa V.League, những nhà tổ chức đã khéo léo "treo" nó ở trận địa Cúp Quốc gia - giải đấu mà với phần đông các đội bóng Việt Nam đều là "vô thưởng vô phạt". Nhưng bây giờ thì Hải Phòng đã bị loại khỏi Cúp Quốc gia, vậy nên người ta không thể cứu Hải Phòng và sân Hải Phòng bằng cách "treo" nó ở trận địa Cúp Quốc gia như năm ngoái. Dân anh chị trong làng bóng sau khi nghe mọi phân tích bỗng chép miệng thốt lên: "Người ta không cứu được bằng cách này, thì sẽ cứu được bằng cách khác…". Không biết là bây giờ có ai tính đến chuyện cứu bằng cách khác nữa hay không, nhưng hãy nhớ cho gia pháp của VFF đã bị coi thường quá nhiều rồi, vậy nên không thể vì một động cơ nào đó khiến nó bị coi thường thêm nữa. Bằng không thì cái sân bị treo và gia pháp cũng đã đến lúc tự "treo" mình!

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/thethao/2009/7/117017.cand