Giá nước sông Đuống chỉ là mức tạm tính để ký kết triển khai dự án

Mức giá 10.246 đồng/m3 nước sông Đuống là mức giá tạm tính tối đa để phục vụ cho việc ký kết thỏa thuận dịch vụ cấp nước trong quá trình lập và tổ chức thực hiện dự án đầu tư, giá này không phải giá bán đến người tiêu dùng hoặc các đơn vị bán lẻ.

Đó là thông tin được ông Vũ Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 12-11.

Thông tin về Dự án Nhà máy nước sạch sông Đuống, ông Võ Tuấn Anh, Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết: Nhà máy nước sạch sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng, tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, với công suất 300.000 m3/ngày đêm. Tiếp nối giai đoạn này, dự án sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ngày đêm, và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.

Dự án được khởi công từ tháng 3-2017, đến tháng 10-2019 đã hoàn thành xong giai đoạn 1, đạt công suất 300.000 m3 ngày/đêm, vượt tiến độ 1 năm.

Đây là nguồn nước sạch sinh hoạt bổ sung cho hàng triệu người dân tại các khu vực huyện Gia Lâm, Đông Anh, quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm và khu vực phía Nam TP như khu vực quận Hai Bà Trưng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về lý do Hà Nội phải trợ giá hàng trăm tỉ đồng cho các doanh nghiệp phân phối nước sạch cho Công ty nước mặt sông Đuống? Phải chăng Hà Nội đang ưu ái Nhà máy nước sạch sông Đuống?, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội khẳng định: TP chưa cấp bù một khoản kinh phí nào cho doanh nghiệp này và các đơn vị liên quan. Giá nước sạch sông Đuống được “tính đúng, tính đủ” theo các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội: Mức giá 10.246 đồng/m3 là mức tạm tính ở mức tối đa chứ không phải mức giá đến tay người tiêu dùng (Ảnh: T.A)

Ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội: Mức giá 10.246 đồng/m3 là mức tạm tính ở mức tối đa chứ không phải mức giá đến tay người tiêu dùng (Ảnh: T.A)

Theo phương án phê duyệt giá bán tạm tính đối với nước sạch sông Đuống tại văn bản số 3310/UBND-KT, Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước của Nhà máy nước sạch sông Đuống để triển khai thực hiện dự án nhà máy này. Giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.

Ông Nguyễn Việt Hà cho biết, việc ký kết thực hiện thỏa thuận dịch vụ cấp nước này được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Vì vậy, trên cơ sở đề nghị của nhà đầu tư, để có căn cứ lập và tổ chức thực hiện dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, TP đã có văn bản chấp thuận giá nước sạch, tại thời điểm đó giá là tạm tính và là tối đa. Trên cơ sở chấp thuận của TP, Sở Xây dựng đã thực hiện thỏa thuận dịch vụ cấp nước với Cty CP Nước mặt sông Đuống.

"Mức giá 10.246 đồng là mức giá tạm tính tối đa để phục vụ cho việc ký kết thỏa thuận dịch vụ cấp nước trong quá trình lập và tổ chức thực hiện dự án đầu tư, giá này không phải giá bán đến người tiêu dùng hoặc các đơn vị bán lẻ"-ông Vũ Việt Hà nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, nhà đầu tư phải thực hiện triển khai quyết toán dự án và kiểm toán cũng sẽ xác minh tính trung thực của những báo cáo tài chính của dự án đầu tư này. Sau khi đơn vị quyết toán sẽ xác định được các chi phí chính thức và khi đó sẽ xác định được chính xác giá thành sản xuất của Cty sông Đuống.

Về chất lượng nước sông Đà và sông Đuống, ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Các nhà máy có yêu cầu tối thiểu phải đạt chất lượng của Bộ Y tế. Nếu nhà máy nào có dây chuyền cao hơn thì tốt thôi, nhưng tối thiểu phải đạt chuẩn của Bộ Y tế nên không so sánh được chất lượng cái nào cao hơn cái nào.

Sau sự cố nước sạch nhiễm dầu thải của Cty CP nước sạch sông Đà, để tăng cường kiểm soát an ninh nguồn nước, TP đã ban hành quy hoạch về cấp nước an toàn, trong đó có quy hoạch, buộc các nhà đầu tư phải kiểm soát về lưu lượng, chất lượng nước.

TP sẽ giám sát chất lượng nước cung cấp đến khách hàng. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng yêu cầu các nhà đầu tư xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước, lắp đặt hệ thống camera giám sát theo dõi để phát hiện và xử lý kịp thời các tác động gây ảnh hưởng tới nguồn nước tới nhà máy.

Phó Chánh Văn phòng UBND TP Võ Tuấn Anh khẳng định, với Dự án nước mặt sông Đuống thì Hà Nội không nắm cổ phần chi phối mà kiểm soát chất lượng, kiểm soát trước, trong và sau đầu tư-đặc biệt kiểm soát chất lượng nước đầu ra, phải đạt trên mức quy chuẩn tối thiểu theo Quy chuẩn Việt Nam, của Bộ Y tế lúc đấy mới được đưa ra sử dụng.

Quá trình thực hiện hiện nay Trung tâm kiểm soát dịch bệnh, Sở Y tế và Sở Xây dựng thường xuyên kiểm tra, chỉ khi nào đạt tiêu chuẩn, có báo cáo chất lượng thì nước mởi chảy tiếp. Còn nói chất lượng nước sông Đà với sông Đuống cái nào tốt hơn rất khó vì đều phải đảm bảo chất lượng theo các tiêu chí.

“Quan điểm quản lý Nhà nước là các sản phẩm khi đưa đến người tiêu dùng đều phải đạt trên mức quy định tối thiểu về tất cả các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Không có chuyện TP để mặc các nhà đầu tư lộng hành”, ông Võ Anh Tuấn nhấn mạnh.

T. An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/gia-nuoc-song-duong-chi-la-muc-tam-tinh-de-ky-ket-trien-khai-du-an-169740.html