Giá nông sản hôm nay 9.8: Tư thương Trung Quốc 'làm loạn' giá tiêu

Thương lái Trung Quốc sẽ mua tiêu từ doanh nghiệp với số lượng nhỏ để lấy lòng tin, rồi ký hợp đồng mua số lượng lớn giá cao, rồi tạo sốt giá ảo, rồi đột nhiên biến mất… Chiêu này cũ rích nhưng năm nào cũng có người trúng đòn.

Giá tiêu hôm nay tiếp tục tăng thêm 1.000 - 2.000 đồng/kg. Ảnh minh họa

Giá tiêu hôm nay tiếp tục tăng

Khảo sát tại các tỉnh Tây Nguyên, giá hồ tiêu hôm nay 9.8 tại tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông đang đạt mức 92.000 đồng/kg; giá tiêu tại Gia Lai đạt 89.000 đồng/kg. Tại Đồng Nai, giá tiêu đã tăng lên 91.000 đồng/kg. Đáng chú ý, giá hồ tiêu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang duy trì ở mức cao nhất, đạt 94.000 đồng/kg.

Nhìn chung, giá tiêu hôm nay đã tăng thêm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg tùy địa bàn.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) chia sẻ: Giá tiêu nội địa trong khoảng 1 tháng qua đã liên tục tăng, tuy biên độ tăng giá không quá đột biến, nhưng đã góp phần cải thiện tình hình thị trường hồ tiêu trong nước.

Bảng giá hồ tiêu hôm nay (đơn vị tính: VND/kg; tham khảo):

Thông tin đáng chú ý là mới đây, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) phát đi thông tin cảnh báo về việc thương lái Trung Quốc đang lũng đoạn thị trường. Dù chưa để lại nhiều thiệt hại nhưng tình hình này cũng đã tạo ra sốt giá ảo, khiến thị trường hồ tiêu biến động khó lường trong 2 tháng qua.

Ông Trần Hữu Thắng, người trồng tiêu ở huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) kể: Nửa đầu năm 2017 là khoảng thời gian giá tiêu biến động một cách “khó lường”. Hiện tại, giá tiêu đen tại Đồng Nai một số nơi đang mua ở mức 95.000 đồng/kg. Cách đó 20 ngày, giá tiêu tụt dốc, chỉ còn 75.000 đồng/kg. Có khi từ sáng đến chiều, giá tiêu trồi sụt với biên độ lớn, chênh lệch từ 10.000 – 15.000 đồng/kg.

Ông Bính (trái) cho rằng đây chỉ là chiêu trò cũ mà thương lái Trung Quốc đã xài nhiều năm. Ảnh Nguyên Vỹ

Ông Thắng cho rằng tình trạng này do một nhóm thương lái Trung Quốc sang Việt Nam gom hàng với số lượng lớn, giá tốt và yêu cầu người bán phải giao hàng ngay. Vì áp lực hợp đồng đã ký, nhiều doanh nghiệp đã lùng sục gom hàng từ nông dân với giá cao, tạo ra hiện tượng sốt giá.

“Các thương lái Trung Quốc chỉ mua tiêu trắng, không mua tiêu đen, càng khiến việc lùng sục gom hàng xuất khẩu thêm phần lộn xộn”, ông Thắng nhấn mạnh.

Việc thương lái Trung Quốc chỉ mua tiêu trắng khiến việc lùng sục gom hàng xuất khẩu thêm phần lộn xộn. Ảnh Nguyên Vỹ

Bà Nguyễn Mai Oanh – Phó Chủ tịch VPA cho biết Hiệp hội cũng nhận được phản ánh từ một số doanh nghiệp thành viên về một nhóm thương lái Trung Quốc đang điều khiển thị trường hồ tiêu Việt Nam.

Cách thức của nhóm thương lái này là tìm đến doanh nghiệp xuất khẩu tiêu, đặt mua với số lượng lớn, giá cả “không thành vấn đề” và yêu cầu làm hợp đồng ngay.

Áp lực hợp đồng khiến các doanh nghiệp tìm hàng để giao hàng nhanh nhất có thể thông qua việc mua gom từ các đại lý. Trong lúc đó, nhóm thương lái này cũng đồng thời tỏa đi các nơi, hứa sẽ bán tiêu cho đại lý với giá thấp hơn giá thị trường. Các đại lý thấy lãi tốt nên đồng ý mua ngay để bán lại cho các nhà xuất khẩu.

Tuy nhiên, thương lái Trung Quốc chỉ bán ra một phần rất nhỏ với giá thấp, trong thời gian rất ngắn. Tiếp đó, họ kêu không có hàng rồi đẩy giá thị trường tăng nóng và bán cho đại lý thương mại theo giá cao.

“Sau khi đã gom được một khoảng chênh lệch khá lớn, các thương lái này đột ngột biến mất. Phía doanh nghiệp xuất khẩu khi điện thoại giao hàng thì tất cả đều là…“không liên lạc được”, bà Oanh kể.

Doanh nghiệp cần theo sát thông tin thị trường, nhất là khi giao dịch với Trung Quốc. Ảnh Nguyên Vỹ

Theo ông Hoàng Phước Bính, nhóm thương lái này chỉ mới “tung hoành” ở khu vực Đông Nam bộ. Tại Chư Sê, hoạt động sản xuất kinh doanh hồ tiêu được nông dân, doanh nghiệp kiểm soát rất tốt. Theo đó, khi các đối tác Trung Quốc muốn mua hàng thì doanh nghiệp sẽ đi gom. Chỉ khi đã chuyển tiền thanh toán đầy đủ, doanh nghiệp mới cho xe chở đi.

Những chiêu trò của thương lái Trung Quốc không mới, thậm chí cũ rích nhưng vì một số nông dân và chủ vựa ở nhiều nơi còn nhẹ dạ nên vẫn bị họ lừa. “Do đó, doanh nghiệp cần theo sát thông tin thị trường. Khi giao dịch với Trung Quốc phải rất cẩn trọng”, ông Bính cảnh báo.

Theo cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC), dự báo sản lượng toàn cầu niên vụ 2016 - 2017 đạt 429,5 nghìn tấn, tiếp tục xu hướng tăng 3,2% so với niên vụ 2015/2016. Thời điểm tháng 7 – 8, Indonesia và Trung Quốc sẽ thu hoạch và cung ứng nguồn hàng ra thị trường thế giới. Do đó giá tiêu thế giới sẽ chỉ dao động trong biên độ hẹp.

Đáng lưu ý là Campuchia đã tăng gấp đôi sản lượng so với năm 2016, cũng góp phần gây ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu, dẫn đến giá tiêu thế giới cũng như giá tiêu Việt Nam chung cảnh sụt giảm.

Giá cà phê thiết lập mốc mới

Giá cà phê hôm nay đã thoát khỏi trạng thái dò đường và có một phiên tăng khá nhanh, với mức biến động từ 300 - 400 đồng/kg. Với mức tăng này, giá cà phê hôm nay 9.8 ở nhiều nơi đã đạt mốc mới: 46.400 đồng/kg

Giá cà phê robusta xuất khẩu tại khu vực cảng TP. Hồ Chí Minh hôm nay đang ở mức 2.074 USD/tấn, trừ lùi 90 USD/tấn.

Giá cà phê hôm nay 9.8 tại thị trường Tây Nguyên. Nguồn: tintaynguyen.com

Trên thị trường kì hạn, chốt phiên đêm qua giá cà phê robusta trên sàn London kì hạn giao tháng 9.2017 tăng nhẹ 1 USD/tấn, chốt ở mức 2.164 USD/tấn; giá kì hạn giao tháng 11.2017 không đổi, ở mức 2.157 USD/tấn. Giá cà phê arabica trên sàn New York kì hạn giao tháng 9.2017 cũng tăng không đáng kể, chốt ở mức 142,75 cent/lb, tăng 0,7 cent/lb so với ngày 8.8; giá giao kì hạn tháng 12.2017 tăng thêm 0,75 cent/lb, chốt ở mức 146,30 cent/lb.

Một số nhà phân tích cho rằng, giá cà phê tăng nhanh là do lo ngại về khối lượng xuất khẩu của Brazil, do yếu tố sản lượng đẩy giá tăng lên. Điểm đáng chú ý là thị trường cà phê arabica đã tăng tốc 5 tuần liên tiếp, không chỉ nới rộng giá cách biệt trên 2 sàn thế giới mà còn do nhiều tin tức tiêu cực về sản lượng Arabica của Brazil vụ mới đang sụt giảm nghiêm trọng vì khô hạn, cộng với chất lượng hạt sụt giảm vì phơi sấy gặp mưa nhiều, cỡ hạt nhỏ.

Nguyên Vỹ - Thiên Hương

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/gia-nong-san-hom-nay-98-tu-thuong-trung-quoc-lam-loan-gia-tieu-the-nao-794602.html