Gia nhập Công ước số 98: Tiền lương sẽ theo nguyên tắc thương lượng

Ngày 29/5 tới, việc xem xết phê chuẩn Công ước 98 sẽ chính thức được trình trước Quốc hội, công ước này đề cập đến những nguyên tắc về thương lượng tập thể.

Tư vấn pháp luật cho người lao động. (Ảnh minh họa)

Tư vấn pháp luật cho người lao động. (Ảnh minh họa)

Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đề cập đến việc áp dụng những nguyên tắc về quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Việc Việt Nam phê chuẩn Công ước 98 sẽ là một bước tiến trong công cuộc cải cách, xây dựng thị trường lao động hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Nguyên tắc xây dựng quan hệ lao động hiện đại

Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế-quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc gia nhập Công ước số 98 của ILO là được đánh giá là cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế-xã hội.

Việc gia nhập Công ước số 98 nhằm đáp ứng những yêu cầu về lao động khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (có hiệu lực từ ngày 14/1/2019), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đang chuẩn bị ký kết.

Công ước số 98 đề cập đến việc áp dụng những nguyên tắc về quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Đây một quyền cơ bản, phương tiện chủ đạo mà thông qua đó người sử dụng lao động và các tổ chức của họ, các tổ chức công đoàn có thể xác lập tiền lương, điều kiện làm việc công bằng.

Gia nhập công ước 98 sẽ góp phần củng cố và tăng cường cơ sở pháp lý để người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể một cách thực chất, hiệu quả hơn, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Tiến sỹ Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam cho biết, “Công ước số 98 là một trong những nguyên tắc phổ quát cho quan hệ lao động hiệu quả trong một nền kinh tế thị trường hiện đại.”

Theo tiến sỹ Chang-Hee Lee, đình công tự phát là một trong những thách thức chính về quan hệ lao động tại Việt Nam kể từ giữa thập niên 90 đến nay. Thương lượng tập thể hiệu quả có thể giúp giảm đình công tự phát và xây dựng quan hệ lao động hài hòa do phương thức này thúc đẩy hợp tác và khả năng dự báo của thị trường lao động, yếu tố quan trọng đối với phát triển kinh tế và ổn định chính trị.

Theo các chuyên gia, tăng cường mức độ bao trùm của thương lượng tập thể và thỏa ước lao động tập thể là một phương tiện chủ chốt giúp giảm bất bình đẳng và mở rộng phạm vi bảo hộ lao động.

Ông Chang-Hee Lee cho rằng, thông qua thương lượng tập thể hiệu quả, người lao động có thể được hưởng lợi một cách công bằng hơn từ tăng trưởng kinh tế và năng suất. Điều này rất quan trọng, bởi vì chính sự gia tăng bất bình đẳng là nguyên nhân gây bất ổn chính trị tại nhiều quốc gia.

Để thương lượng tập thể phát huy tính hiệu quả, công đoàn cần thể hiện vai trò là đại diện thực sự của người lao động. Do đó, Công ước số 98 quy định rằng người lao động cần được bảo vệ một cách đầy đủ trước những hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn trong lao động. Công ước cũng yêu cầu các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động cần được bảo vệ một cách đầy đủ, không bị bên kia can thiệp trong quá trình thành lập, hoạt động hoặc điều hành hoạt động của mình.

Sửa quy định về thương lượng tập thể

Trình bày Báo cáo thuyết minh của Chính phủ về việc gia nhập Công ước 98 trong phiên họp thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, nội dung Công ước 98 liên quan đến các điều luật của Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Công đoàn năm 2012, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Công ước số 98 đề cập đến quyền tổ chức và thương lượng tập thể. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các quy định của pháp luật Việt Nam tương thích với các quy định của Công ước số 98. Tuy nhiên, để bảo đảm thực thi đầy đủ, có hiệu quả Công ước trên thực tiễn sau khi gia nhập, Việt Nam sẽ cần nội luật hóa các quy định của Công ước, trong đó, cần bổ sung bổ sung thương lượng tập thể theo nguyên tắc tự nguyện.

Như vậy, Bộ Luật lao động cần sửa đổi bỏ quy định thương lượng tập thể được thực hiện định kỳ một năm một lần; sửa đổi quy định về nội dung thương lượng tập thể, bảo đảm cách hiểu thống nhất; sửa đổi quy định về vai trò đại diện đương nhiên của công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở trong việc đại diện cho người lao động tại nơi chưa có công đoàn cơ sở để tiến hành thương lượng tập thể (bãi bỏ Khoản 3 Điều 188 Bộ luật Lao động 2012)..

Để gia nhập Công ước 98, Bộ Luật Lao động sẽ cần sửa đổi, bổ sung các quy định bảo đảm thương lượng tập thể không chỉ được thực hiện ở cấp doanh nghiệp và cấp ngành mà có thể được thực hiện ở bất kỳ cấp nào như cấp bộ phận doanh nghiệp, cấp vùng, cấp nhóm doanh nghiệp... Bên cạnh đó, không quy định thủ tục trọng tài bắt buộc đối với mọi tranh chấp lao động tập thể về lợi ích xuất phát từ thương lượng tập thể.

Đặc biệt, gia nhập và thực hiện Công ước 98 cũng chính là giải pháp cụ thể nhằm thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, trong nền kinh tế thị trường, tiền lương và điều kiện lao động dựa trên thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và tập thể người lao động, do vậy điều quan quan trọng là cần thúc đẩy thương lượng tập thể một cách thực chất và hiệu quả, nhất là thương lượng tập thể về tiền lương, nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Theo Nghị quyết số 27, Nhà nước sẽ chỉ ban hành mức lương tối thiểu, giảm dần, tiến tới không can thiệp mang tính hành chính, áp đặt vào việc trả lương của doanh nghiệp. Tiền lương trong doanh nghiệp sẽ do chính các bên quan hệ lao động quyết định thông qua thương lượng mà chủ yếu là thương lượng tập thể.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nhận định, Việc gia nhập Công ước 98 sẽ đem lại lợi ích cho người lao động khi quyền gia nhập tổ chức công đoàn được bảo vệ. Theo công ước 98, tổ chức công đoàn sẽ được bảo vệ bởi sự thao túng của giới chủ. Việc phê chuẩn công ước trong kỳ họp Quốc hội lần này sẽ khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực, chủ động của ILO./.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nói về nội dung của Công ước 98:

Dự kiến, Quốc hội sẽ nghe trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ về việc về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế và thảo luận tại tổ về nội dung này vào ngày 29/5.

Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường vào ngày 7/6 và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 vào ngày 14/6.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/gia-nhap-cong-uoc-so-98-tien-luong-se-theo-nguyen-tac-thuong-luong/571453.vnp