Gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế: Bảo đảm công bằng xã hội tốt hơn

Việc gia nhập và thực hiện Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) sẽ góp phần giúp cho thương lượng tập thể được thực chất, hiệu quả hơn trên thực tế. Trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước này tại phiên họp toàn thể của QH sáng nay, 29.5, Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, thương lượng tập thể là công cụ, phương tiện quan trọng trong việc phân chia thu nhập, phân chia thành quả của sự phát triển công bằng hơn ở cấp độ xã hội.

Góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định

Theo Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, việc gia nhập Công ước số 98 của ILO về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế - quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế.

Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế.

Về chính trị, việc gia nhập Công ước góp phần khẳng định đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước; đồng thời, tiếp tục khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là thành viên của ILO. Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng, thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được QH phê chuẩn ngày 12.11.2018 (có hiệu lực đối với nước ta từ ngày 14.1.2019), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang được tích cực chuẩn bị để có thể ký kết và phê chuẩn trong thời gian tới.

Về pháp lý, việc gia nhập Công ước sẽ góp phần củng cố và tăng cường cơ sở pháp lý để người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể một cách thực chất, hiệu quả hơn, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Về kinh tế - xã hội, việc gia nhập và thực hiện Công ước sẽ góp phần giúp cho thương lượng tập thể được thực chất, hiệu quả hơn trên thực tế. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, thương lượng tập thể là công cụ, phương tiện quan trọng trong việc phân chia thu nhập, phân chia thành quả của sự phát triển công bằng hơn ở cấp độ xã hội. Cơ chế thương lượng tập thể hiệu quả sẽ góp phần làm giảm thiểu các tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, hài hòa quan hệ lao động giữa các bên, tác động tích cực đến nâng cao năng suất lao động, giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững và bảo đảm công bằng xã hội tốt hơn, góp phần ổn định an ninh - chính trị, kinh tế - xã hội.

Bảo đảm tính tương thích giữa Công ước 98 với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Trình bày Báo cáo thuyết minh Công ước số 98 của ILO về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, Công ước số 98 là một trong tám công ước cơ bản của ILO. Tính đến tháng 5.2019, trên thế giới đã có 166 trong tổng số 187 quốc gia thành viên tham gia Công ước này. Việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 là rất có ý nghĩa.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo thuyết minh Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể

Cụ thể, trong nền kinh tế thị trường, tiền lương và điều kiện lao động của người lao động được thực hiện dựa trên thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và tập thể người lao động, do vậy điều quan trọng là cần thúc đẩy thương lượng tập thể một cách thực chất và hiệu quả, nhất là thương lượng tập thể về tiền lương, nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Gia nhập và thực hiện Công ước 98 chính là thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Trình bày Báo cáo thẩm tra Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu khẳng định, việc gia nhập Công ước số 98 là thể hiện quyết tâm chính trị, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lao động. Tuy nhiên, Ủy ban Đối ngoại cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát, nội luật hóa bảo đảm tính tương thích, phù hợp giữa các nội dung Công ước 98 với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và các văn bản pháp luật khác có liên quan; xây dựng đề án triển khai, có lộ trình, có sự phân công, phối hợp triển khai từng công việc cụ thể. Bên cạnh đó, cần quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước số 98 đến các ngành, các cấp, doanh nghiệp, người dân nhất là các chủ thể chịu tác động trực tiếp như: Hệ thống công đoàn Việt Nam, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và người lao động.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Chính phủ cần xây dựng kế hoạch sớm gia nhập hai Công ước cơ bản còn lại của ILO là Công ước số 87 “về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức” và Công ước số 105 “về xóa bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc”. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu sớm trình sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật Lao động năm 2012.

Tin: Hoàng Ngọc - Ảnh: Quang Khánh/Báo Đại biểu Nhân dân

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/thoi-su/gia-nhap-cong-uoc-so-98-cua-to-chuc-lao-dong-quoc-te-bao-dam-cong-bang-xa-hoi-tot-hon-26725.html