Giá mật ong xuất khẩu của Việt Nam lao dốc

Mặc dù đã đáp ứng được các tiêu chính về vấn đề an toàn thực phẩm, song mật ong của Việt Nam xuất khẩu vào EU vẫn cần phải cải thiện một số vấn đề về chất lượng để có thể giữ vững thị phần và gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.

Nhiều người nuôi ong thu hoạch mật khi chưa chín khiến mật bị lên men ngoài mong muốn. Ảnh: ST

Đó là vấn đề được đưa ra thảo luận tại hội thảo “Duy trì và mở rộng thị phần cho mật ong Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu” do Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 1/11 với sự hỗ trợ của Dự án EU-MUTRAP.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mật ong là sản phẩm xuất khẩu rất quan trọng của ngành chăn nuôi Việt Nam. Tuy nhiên, hiện sản phẩm này mới chỉ xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Hoa Kỳ, còn thị trường EU mới chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng lượng mật ong xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Hòa thông tin, hiện Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật trong quản lý và giám sát dư lượng hóa chất đối với mật ong xuất khẩu vào EU. Từ tháng 3/2013, EU cũng đã cho phép nhập khẩu trở lại sản phẩm mật ong của Việt Nam. Tuy nhiên, mật ong của Việt Nam xuất khẩu vào EU hiện vẫn gặp một số vấn đề về quản lý chất lượng cũng như các quy định kỹ thuật trong thu hoạch và chế biến mật ong theo quy định của thị trường và yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Tham dự hội thảo, ông Nicolaus Bieger, Chuyên gia quốc tế của dự án EU-MUTRAP đã thông tin về những yêu cầu pháp lý để xuất khẩu mật ong từ Việt Nam sang EU. Những quy định này được thiết lập dựa trên nguyên tắc truy xuất nguồn gốc, phân tích rủi ro và các biện pháp phòng ngừa. Theo đó, các yêu cầu pháp lý bao gồm dư lượng thuốc trừ sâu, sản phẩm biến đổi gen, dư lượng kháng sinh… Ngoài ra, còn có các yêu cầu về hàm lượng đường, hàm lượng thủy phần, hàm lượng tan trong nước…

Theo ông Nicolaus Bieger, sản phẩm mật ong của Việt Nam xuất khẩu vào EU hiện vấp phải một số vấn đề như hàm lượng glycerin, nấm men và axit ở mức quá cao. Những thông số này cho thấy mật ong Việt Nam được thu hoạch khi chưa chín và hậu quả là bị lên men ngoài mong muốn. “Đây là điều các nhà nhập khẩu của châu Âu không hề muốn” – ông Nicolaus Bieger nói.

Bên cạnh đó, ông Nicolaus Bieger cũng cho hay, một số nhà nuôi ong tại Việt Nam dùng đậu nành làm thực phẩm bổ sung cho ong khiến cho mật ong bị ô nhiễm. Theo đó, nếu muốn tăng lượng mật ong xuất khẩu vào châu Âu và tăng thị phần thì các nhà sản xuất mật ong của Việt Nam cần phải cải thiện phương thức hoạt động.

Ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam cũng chia sẻ về việc giá mật ong xuất khẩu của Việt Nam đang giảm với tốc độ nhanh hơn so với thế giới. Cụ thể, năm 2013, giá xuất khẩu của Việt Nam ở mức tương đương với nhiều nước như Ấn Độ, nhưng trong 9 tháng đầu năm nay, giá mật ong của Việt Nam đã thấp hơn Ấn Độ khoảng 7-10%. Hiện giá mật ong của Việt Nam đã rơi xuống mức thấp nhất so với thế giới. Điều này đã đặt ra dấu hỏi về chất lượng mật ong của Việt Nam khi mà các DN cũng như người nuôi ong lâu nay chỉ lo chạy theo số lượng.

Theo các chuyên gia, để giải quyết các vấn đề về chất lượng của mật ong Việt Nam, người nuôi ong nên có ý thức khai thác sản phẩm, chỉ lấy mật khi đã chín; cho ăn bổ sung khi thật cần thiết và tránh lẫn vào mật ong khi thu hoạch. Cùng với đó, DN xuất khẩu cần mua bán cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng tranh mua tranh bán, đẩy giá xuống thấp gây khó khăn cho người nuôi ong. Nhà nước cũng cần tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi ong như xây dựng mô hình nuôi ong lên kế, sản xuất mật ong hữu cơ, cung cấp thông tin thị trường…

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/gia-mat-ong-xuat-khau-cua-viet-nam-lao-doc.aspx