Giả mạo cả cán bộ Bộ Công an để lừa hàng trăm triệu đồng

Đối tượng tự xưng là cán bộ Bộ Công an đang truy quét tội phạm, cần giúp chuyển tiền vào 1 tài khoản để 'giăng bẫy' bắt tội phạm, sau khi bắt đối tượng sẽ chuyển trả tiền ngay…

Đây là thủ đoạn của đối tượng giả danh cán bộ Bộ Công an để lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng tại Thanh Hóa.

Tháng 1/2019, ông Tr. H. Kh., trú tại phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) bất ngờ nhận được 1 cuộc điện thoại của người lạ, tự xưng là cán bộ Bộ Công an đang thực hiện truy quét tội phạm, cần ông Kh. chuyển tiền vào 1 tài khoản để "giăng bẫy" bắt tội phạm, sau khi bắt xong tội phạm sẽ chuyển trả tiền ngay.

Ông Kh. phân tích: "Chúng nó tài lắm, không hiểu sao chúng nó biết tôi có tài khoản tiết kiệm, mà còn biết cả việc tôi từng là bộ đội, rồi nó đánh vào tâm lý thương người của mình để lừa đảo". Ông Kh. nhớ rõ, với giọng điệu khẩn cầu, gấp gáp, không nghi ngờ gì, ông Kh. lập tức rút toàn bộ số tiền tiết kiệm 125 triệu đồng để chuyển vào tài khoản mà người trong điện thoại cung cấp mà không chút nghi ngại, tuy nhiên, khi tiền được chuyển đi cũng là lúc "cán bộ Bộ Công an" biến mất, không thể liên lạc được.

Đối tượng Lại Văn Sơn, giả danh công an để lừa đảo. Ảnh: Công an Thanh Hóa

Đối tượng Lại Văn Sơn, giả danh công an để lừa đảo. Ảnh: Công an Thanh Hóa

Ngoài ông Kh., ngày 19/6/2019, chị L.T.S. (SN 1989, ở xã Ngọc Lĩnh, huyện Tĩnh Gia) cũng trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo. Với thủ đoạn tinh vi, kẻ tung người hứng, các đối tượng đã từng bước lừa được con mồi.

Ðể tạo lòng tin cho nạn nhân, các đối tượng còn hướng dẫn chị S. tra cứu địa chỉ trụ sở, số điện thoại một đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an. Sau khi tra cứu xong chị S. thấy các thông tin trùng khớp, nhất là số điện thoại đang gọi cho chị rất giống với số điện thoại đường dây nóng.

Khi chị S. yêu cầu gọi video, các đối tượng đồng ý, tuy nhiên không cho nhìn rõ mặt với lý do giữ bí mật điều tra. Nghi ngờ các đối tượng lừa đảo, chị S. không chuyển tiền và đến cơ quan công an trình báo, ngay sau đó các đối tượng lập tức cắt mọi liên lạc.

Tìm hiểu được biết, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là gọi điện vào số điện thoại cố định của các bị hại hỏi có phải tên tuổi này hay không? Có số chứng minh nhân dân, căn cước công dân này không? Và tự giới thiệu là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án đang thụ lý vụ án liên quan đến đường dây tội phạm buôn ma túy, rửa tiền... xuyên quốc gia, số tiền trong tài khoản của họ là tiền liên quan đến hoạt động phạm tội.

Sau khi đe dọa, chúng yêu cầu các bị hại cung cấp số điện thoại di dộng, thông tin cá nhân để xác minh. Khi các bị hại thanh minh không liên quan thì chúng cho biết đã có lệnh bắt khẩn cấp và gửi hình ảnh qua messenger cho bị hại, người thân trong gia đình đang bị bọn tội phạm theo dõi uy hiếp đến tính mạng.

Chúng yêu cầu để chứng minh mình trong sạch thì các bị hại phải chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp để xác minh. Nếu xác định số tiền đó không liên quan đến vụ án thì sẽ chuyển lại cho bị hại. Trong thời gian đi chuyển tiền, chúng yêu cầu bị hại không được tắt điện thoại, không được nói cho ai biết.

Do thiếu hiểu biết, các bị hại đã tin và chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng, sau khi nhận được tiền chúng đã nhanh chóng rút hoặc chuyển tiếp sang các tài khoản khác để chiếm đoạt. Bị hại mà chúng nhắm đến là những người già, cán bộ hưu trí, những người có tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm ở ngân hàng.

Trung tá Phạm Đức Nghiêm, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo: "Nếu ai đó yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân thì phải hiểu ngay đó là kẻ lừa đảo, vì cơ quan công an không có tài khoản mang tên cá nhân, cũng không yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh mình vô tội và chuyển tiền vào 1 tài khoản để "giăng bẫy" bắt tội phạm, sau khi bắt xong tội phạm sẽ chuyển trả tiền ngay

Mặt khác, để phòng tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân, người dân cần lưu ý không mua, bán, cho mượn giấy chứng minh nhân dân, tài khoản cá nhân, các loại thẻ tín dụng... Trong trường hợp chuyển tiền cho tài khoản người khác nghi hoạt động lừa đảo người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn".

Gia Hân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/gia-mao-ca-can-bo-bo-cong-an-de-lua-hang-tram-trieu-dong-2019120910333068.htm