Giá lương thực và thực phẩm tại Nam Phi biến động mạnh

Theo báo cáo giám sát mới nhất của Hội đồng Tiếp thị nông nghiệp quốc gia Nam Phi (NAMC), giá gạo bán ra tại Nam Phi tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.

Người dân mua hàng trong siêu thị tại Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân mua hàng trong siêu thị tại Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo báo cáo giám sát mới nhất của Hội đồng Tiếp thị nông nghiệp quốc gia Nam Phi (NAMC), giá gạo bán ra tại Nam Phi tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy giá lương thực đang leo thang ở mức báo động ngay cả khi chỉ số lạm phát chung vẫn ở mức thấp.

Phóng viên TTXVN tại Pretoria dẫn dữ liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Nam Phi (Stats SA) cho thấy tỷ lệ lạm phát tổng thể đã tăng lên mức 3,2% vào tháng 1/2021, từ 3,1% vào tháng 12/2020, trong khi mức tăng giá hàng năm chậm lại so với mức trung bình của 16 năm qua.

Mức tăng lạm phát chủ yếu do tăng giá lương thực. Tháng 1/2021, giá thực phẩm và đồ uống không cồn đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến nhóm hàng này đóng góp lớn nhất vào việc tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Theo dữ liệu của NAMC, giá một túi gạo 2kg đã tăng 52,7% trong khoảng thời gian từ tháng 1/2020 đến tháng 1/2021. NAMC đánh giá nguyên nhân tăng giá phần lớn xuất phát từ nhu cầu đối với gạo chủ yếu đến từ thị trường châu Á và châu Phi, cùng với nguồn cung khan hiếm ở Thái Lan và Việt Nam.

Giá đậu tương khô, trứng, bánh mì và bột ngô cũng tăng tương đối cao. Ngoài ra, giá bánh mì trắng đắt hơn 15,7% và bánh mì nâu tăng 13,6%. Giá thịt bò tăng 7,1% và thịt gà tăng 2,8%.

Ông Dawie Maree, Trưởng bộ phận thông tin và tiếp thị của Chi nhánh nông nghiệp ngân hàng FNB (thuộc nhóm 5 ngân hàng lớn nhất Nam Phi), cho biết giá ngô và đậu tương bị ảnh hưởng bởi tỷ giá hối đoái, giá quốc tế tăng mạnh và nhu cầu cao từ các nước láng giềng như Zimbabwe.

Đại diện của FNB cũng cho rằng Trung Quốc đã nhập khẩu rất nhiều ngũ cốc để làm thức ăn cho lợn trong nỗ lực tái đàn sau khi bùng phát dịch tả lợn châu Phi vào năm 2020.

Về mặt hàng thịt đỏ, ông Dawie Maree cho biết giá thịt tăng, trong khi điều kiện sản xuất thuận lợi, có nghĩa là nông dân sẽ giữ lại giống nuôi để tái đàn, khiến lượng thịt đỏ có sẵn trên thị trường ít hơn và nhu cầu vẫn ở mức cao. Trong khi đó, Nam Phi phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu thịt gà, cùng với tỷ giá hối đoái suy yếu, khiến giá nhập khẩu tăng.

Đại diện của FNB nhận định trong 3 tháng tới, giá thịt nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức hiện tại, do người chăn nuôi tiếp tục gây lại đàn và người tiêu dùng vẫn chịu áp lực. Các loại ngũ cốc có vụ thu hoạch tốt sẽ giảm áp lực về giá đối với lương thực. Tuy nhiên, một yếu tố rủi ro lớn đối với giá lương thực là giá điện của Nam Phi sẽ tăng 15% từ ngày 1/4 tới và giá nhiên liệu khác ngày càng tăng./.

Đình Lượng/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gia-luong-thuc-va-thuc-pham-tai-nam-phi-bien-dong-manh/188739.html