Giá lúa giảm, Thủ tướng yêu cầu 'phải mua sớm' 200.000 tấn gạo dự trữ

Trước tình hình tiêu thụ lúa gạo khó khăn vì giá lúa giảm liên tục từ cuối năm 2018, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phải sớm mua dự trữ 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc.

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, trong cuộc họp chiều 19/2 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình lúa gạo xuống giá, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) đã đề nghị Bộ Tài chính tập trung triển khai mua tăng đưa vào dự trữ quốc gia năm 2019 số lượng 80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo; phối hợp với Bộ NN&PTNN sẵn sàng mua 100.000 tấn tiếp theo.

Sau khi lắng nghe ý kiến các đại biểu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo mua đủ lượng gạo và lúa dự trữ theo kế hoạch Nhà nước đã giao, “phải mua sớm”, bao gồm 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc.

Ngoài ra, còn có một số giải pháp khác như các tổng công ty lương thực Nhà nước thực hiện đúng Nghị định 157, mua dự trữ 5% theo quy định; khẩn trương thực hiện sớm các kế hoạch xuất khẩu gạo; Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp; Bộ Công Thương tiếp tục cùng Bộ NN&PTNN tìm thị trường mới để tiêu thụ lúa dài hơi hơn cho người dân.

“Lúa gạo chỉ có con đường phát triển duy nhất là nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu”, Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với các bộ, ngành chiều 19/2 về vấn đề lúa gạo xuống giá. Ảnh: Chinhphu.vn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với các bộ, ngành chiều 19/2 về vấn đề lúa gạo xuống giá. Ảnh: Chinhphu.vn.

Từ cuối năm 2018, giá lúa tươi (IR50404) tại ruộng đã giảm 500 - 1.000 đồng/kg. Đầu tháng 2, giá lúa tươi giảm còn 4.200-4.400 đồng/kg, giá thóc hạt dài (OM 504) giảm còn 4.500 đồng/kg. Khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo trong tháng 1 đều giảm. Sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, giá lúa vẫn tiếp tục đi xuống. Nông dân khó khăn trong việc tiêu thụ lúa vừa thu hoạch từ vụ Đông Xuân dù đây là vụ có sản lượng, năng suất cao và chất lượng tốt nhất trong năm.

Nguyên nhân được cho là do một số thị trường vẫn còn lượng gạo dư của năm 2018 nên chưa có nhu cầu nhập khẩu. Cùng với đó, sau Tết Kỷ Hợi 2019, các doanh nghiệp đã giao hàng vào tháng 12/2018 chưa chủ động giao hàng theo các hợp đồng; hệ thống thương lái chưa vào cuộc mạnh mẽ. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc xuất hiện thách thức mới.

Việt Đức

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/gia-lua-giam-thu-tuong-yeu-cau-phai-mua-som-200000-tan-gao-du-tru-post918026.html