Giá lợn giảm, người chăn nuôi lao đaoBài 3: 'Chính sách có nhưng… Nhà nước ở quá xa'

Đó là nỗi niềm của anh Phạm Văn Tạo (chủ trang trại lợn nhỏ quy mô 300 con ở Tứ Kỳ, Hải Dương) và cũng là sự lo lắng của nhiều hộ chăn nuôi giữa thời điểm dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Cục Thú y đánh giá lại toàn bộ nguyên nhân gây bệnh, tổng hợp, nghiên cứu tìm ra nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, xem lại việc lấy mẫu xét nghiệm của đàn lợn xung quanh ổ dịch, vì các ổ dịch hiện đang xuất hiện theo kiểu xôi đỗ. Trong khi đó, kết quả xét nghiệm các mẫu trên đàn lợn xung quanh ổ dịch thời gian qua có tỷ lệ dương tính với dịch tả lợn châu Phi rất thấp. Nếu vẫn thực hiện như vậy sẽ gây tốn kém.

Bắt đầu câu chuyện về dịch tả châu Phi đang lan rộng ra 17 tỉnh thành cả nước, phải tiêu hủy 23.442 con lợn, anh Tạo cho rằng, có một nguyên nhân khiến dịch lan rộng ít người nghĩ đến: Đó là lây qua nguồn nước ngoài môi trường. “Con lợn dù được uống nước sạch nhưng nó vẫn có thể uống nước rửa chuồng. Mà thường thì các trại tầm trung và nhỏ chỉ cho uống nước sạch, còn rửa chuồng bằng nước ngoài môi trường. Việt Nam ở hạ lưu sông Hồng, Trung Quốc ở thượng nguồn, dịch có thể lây theo nguồn nước” - anh nói.

Ở Tứ Kỳ, Hải Dương quê anh Tạo có hiện tượng người dân gọi thương lái đến bán lợn ở mức giá 36.000 - 37.000 đồng/kg lợn hơi, dưới cả giá hỗ trợ của nhà nước bởi đã quá sợ hãi viễn cảnh trắng tay khi dịch chồng lên dịch.

“Người ta bán dưới mức hỗ trợ nhưng nhận được tiền thật, còn chờ Nhà nước hỗ trợ thì chưa biết tới bao giờ mới nhận được tiền” - anh Tạo nói. “Hỗ trợ lần này ban đầu là 38.000đ/kg, sau đó Bộ đề nghị mức hỗ trợ cao hơn. Một số tờ báo thông tin: Thủ tướng đồng ý hỗ trợ 80% giá thị trường. Vậy cụ thể là bao nhiêu? Tôi thấy rất chung chung và bao giờ đến tay người chăn nuôi cũng chưa thể biết được”.

Trong khi đó, để minh bạch và hỗ trợ người dân kịp thời, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan đang xây dựng đề án, đưa vào Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy; Bỏ điều kiện phải khai báo và có xác nhận của UBND cấp xã khi nuôi lợn vì không khả thi; Kinh phí lấy từ quỹ phòng, chống thiên tai của địa phương.

17 tỉnh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam và mức độ thiệt hại của ngành chăn nuôi.

17 tỉnh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam và mức độ thiệt hại của ngành chăn nuôi.

Người dân ở Thúy Lĩnh, Hoàng Mai, Hà Nội vẫn đang nuôi lợn 180 kg (lợn xuất chuồng thường ở mức thể trọng 120kg - PV) bởi chưa có thông tin hết dịch thì chưa được xuất chuồng. Trong khi đó, Hà Nội đã xuất hiện thêm điểm dịch thứ 7 với tổng số lợn tiêu hủy là 437 con.

Anh Tạo cũng chia sẻ thêm: “Có nhiều trang trại dấu dịch không khai báo mà bán lợn bệnh ra thị trường để nhanh chóng thu vốn về. Vì khi địa phương nào thông báo dịch đồng nghĩa với việc lợn đến ngày bán mà không ai dám vào mua. Lợn to chật chuồng, mật độ dày càng dễ nhiễm bệnh. Khi nuôi to quá sẽ tích mỡ. Lò mổ cũng ngại không mua lợn quá to”.

Anh Tạo thừa nhận Nhà nước có rất nhiều chính sách hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ lẻ như: Cho vay không lãi, vận động các cơ quan, đơn vị mua hàng cho dân khi giá lợn xuống thấp; hỗ trợ vắc xin tiêm chủng cho lợn; hỗ trợ tiền khi lợn chết vì dịch như trong dịch tả lợn châu Phi… Tuy nhiên anh và rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khác vẫn phải tự bơi bởi “Chính sách có đấy nhưng… Nhà nước ở quá xa”.

Đơn cử như chính sách hỗ trợ vắc-xin phòng bệnh cho lợn, anh Tạo cho biết: “Nhà nước hỗ trợ nhưng đến tay người nuôi chỉ là những vắc-xin loại rẻ, những vắc-xin khác thì tạt ngang. Khi cần, người nuôi phải mua lại chính những vắc-xin mà lẽ ra được nhà nước cấp với giá đắt hơn nhiều lần. Giới chăn nuôi gọi đó là vắc-xin quay đầu".

Cuối năm 2018, dịch lở mồm long móng phát tán khắp miền Bắc, lợn chết vứt đầy sông làm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Dịch không phải là mới nhưng điều nguy hiểm là: Bệnh do 3 chủng, trong 3 chủng đó gồm 60 tuýp gây bệnh. Các trang trại như của anh Tạo đã tiêm phòng đến 2 lần với hai chủng O và OA với giá vắc-xin đắt gấp nhiều lần lúc bình thường nhưng lợn vẫn không được miễn dịch vì không đúng chủng. Anh Tạo chỉ có một trang trại nhỏ nhưng tốn đến mấy chục triệu tiền vắc-xin mà lợn vẫn chết, mức thiệt hại vô cùng lớn.

Cho đến hàng tháng sau, các cơ quan chức năng mới vào cuộc, đem mẫu đi phân tích và công bố năm nay dịch do một tuýp mới có tên là Myama98 gây bệnh.

Khuyến cáo 5 không phòng chống dịch tả lợn châu Phi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Giá như các ngành chức năng vào cuộc sớm hơn thì ngành chăn nuôi Việt Nam đã không phải mất rất nhiều tỷ đồng. Anh Tạo chia sẻ, mình chỉ là một phần rất nhỏ trong số đó. Còn những đại lý bán vắc-xin và thuốc thú y không có cơ hội đục nước thả câu.

Anh cho rằng chính sách hỗ trợ của Nhà nước là đúng nhưng cần quyết liệt hơn đến các cấp cơ sở”.

Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân bình tĩnh, không cần sợ và kiêng thịt lợn. Đồng thời, với người chăn nuôi cần thực hiện phương châm 5 không: “(1) Không dấu dịch; (2) Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; (3) Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; (4) Không vứt lợn chết ra môi trường; (5) Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt” để cùng cơ quan chức năng khống chế, dập dịch.

Nhóm phóng viên

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bai-3-chinh-sach-co-nhung-nha-nuoc-o-qua-xa-d2064055.html