Già làng Keo Ônl

Với gần 50 tuổi, già làng Keo Ônl hiện là Tổ trưởng Tổ tự quản số 4, già làng ấp Bố Lớn (xã Hòa Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) và kiêm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt của ấp. Với người dân ở đây, những việc già làng Keo Ônl làm được cho bà con, nhất là chị em phụ nữ thật đáng quý. Thêm một lý do nữa khiến già làng Keo Ônl luôn được phụ nữ yêu mến, bởi bà cũng là phụ nữ.

Già làng Keo Ônl nhắc nhở học sinh đội mũ bảo hiểm đầy đủ khi tham gia giao thông.

Già làng Keo Ônl nhắc nhở học sinh đội mũ bảo hiểm đầy đủ khi tham gia giao thông.

Với gần 50 tuổi, già làng Keo Ônl hiện là Tổ trưởng Tổ tự quản số 4, già làng ấp Bố Lớn (xã Hòa Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) và kiêm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt của ấp. Với người dân ở đây, những việc già làng Keo Ônl làm được cho bà con, nhất là chị em phụ nữ thật đáng quý. Thêm một lý do nữa khiến già làng Keo Ônl luôn được phụ nữ yêu mến, bởi bà cũng là phụ nữ.

Ngoài trọng trách già làng, bà Keo Ônl cũng là một người vợ, người mẹ Khmer như bao chị em Khmer nghèo khác ở Bố Lớn. Công việc mưu sinh chính của già làng Keo Ônl là bán hủ tíu. Không biết do hủ tíu ngon hay vì quý mến già làng, mà mọi người ủng hộ nhiều, khi đông khách quá, chị em trong làng còn ra phụ trụng bánh, xắt thịt, thái chanh ớt.

Nói về ấp Bố Lớn, đây là địa bàn ấp biên giới giáp nước bạn Cam-pu-chia, có cột mốc số 148 đóng ở địa phương. Trong ấp hiện nay có 287 hộ dân sinh sống, trong đó có 32 hộ người dân tộc Khmer, phần đông là hộ nghèo, hộ khó khăn. Với vai trò là Tổ trưởng Tổ tự quản số 4, làm già làng, lại thạo tiếng Khmer, sau mỗi giờ buôn bán, bà Keo Ônl lại lần lượt đi đến từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Theo chân già làng đến hộ gia đình bà Năm Tốt, chúng tôi ngạc nhiên vì nhà bà Năm ngoài việc được già làng vận động xây nhà vệ sinh, được giới thiệu lên "cấp trên" nhận bò cái về nuôi, còn được xây nhà gạch theo nguồn vốn 135. Bà Năm run run nói: "Nó (ý chỉ già làng Keo Ônl - PV) thương dân mình lắm, nhà ai ma chay đều đi xin hòm, nhà ai nghèo bệnh thì xin tiền mua thuốc, chị em nào ốm đau không lao động nổi còn xin bò cho về nuôi, chị em nào muốn đi làm được giới thiệu, bảo lãnh... Cho nên bà con mình thương nó lắm".

Hỏi vì sao được tuyên dương điển hình tốt về học tập và làm theo Bác Hồ nhiều năm liền mà chưa vào Ðảng, già làng Keo Ônl hồn nhiên: "Hồi xưa tôi nghèo quá, học ít quá cho nên theo quy định chưa được vào. Nhưng cấp trên nói rồi, nếu làm người uy tín trong cộng đồng dân tộc thì sau này có khi được xem xét. Tôi sẽ cố phấn đấu để trở thành đảng viên. Giờ chưa là đảng viên, nhưng tôi cũng làm việc như một đảng viên trong ấp mà". Khi đặt câu hỏi: Già làng Keo Ônl đã làm được gì cho ấp, chúng tôi được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thông tin thêm: Với già làng Keo Ônl, công việc thầm lặng, rất có ý nghĩa, như chuyện để nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trong ấp. Với phương châm "lấy sức dân làm lợi cho dân", không trông chờ, ỷ lại, già làng Keo Ônl đã tích cực vận động, hướng dẫn bà con tăng gia sản xuất, chăn nuôi hợp vệ sinh; thực hiện trồng cây, con giống mới năng suất cao, nâng cao thu nhập. Từ đó đời sống của người dân trong tổ, ấp dần được ổn định, cơ sở hạ tầng được cải thiện, nâng cấp, khang trang hơn... Từ năm 2016 đến nay, già làng đã vận động các nhà hảo tâm, Việt kiều tặng 471 phần quà, trị giá 141 triệu 300 nghìn đồng cho người dân trong ấp, các ấp lân cận và hội viên các ngành trong xã; vận động quà cho người dân dịp Tết Nguyên đán và Tết của người dân tộc Khmer. Riêng năm 2019, già làng Keo Ônl đã vận động trao tặng nhà tình thương, xe đất làm nền nhà, xin bò cho nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn trong ấp. Trên thực tế, ở Bố Lớn chỉ còn hai ngôi nhà vách đất, phần lớn người dân nơi đây đều có nhà kiên cố. Ðiều đó nói lên sự phát triển bền vững ở một địa phương đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, vùng giáp biên giới như Bố Lớn. Vì thế, gương già làng nữ Keo Ônl được tuyên dương từ cấp cơ sở cho đến trung ương khiến người dân Khmer trong vùng cũng rất tự hào.

Già làng Keo Ônl chia sẻ: Mình không có tiền, mình nghèo thì bỏ công sức, uy tín của mình ra xin cho bà con. Mỗi người làm một vài việc tốt, góp phần đưa thôn làng, phum sóc ngày càng tốt hơn.

Ít ai biết người phụ nữ Khmer đôn hậu này còn thường xuyên cùng các lực lượng du kích, công an, bộ đội biên phòng đi tuần tra quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc và giữ an ninh trật tự xóm ấp. Với vai trò là tổ trưởng tổ tự quản, già làng Keo Ônl thường xuyên vận động người dân tham gia bảo vệ tốt tuyến đường biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, không vượt biên, không mua bán, vận chuyển hàng lậu... "Ai đi lạc sang đất mình, tôi hướng dẫn trở về đất Cam-pu-chia. Ai lỡ thả trâu bò chạy sang, tôi ân cần giải thích, mời họ uống nước, ăn cơm... thế là ổn. Tuy ở hai bên biên giới nhưng chúng tôi đều nói chung tiếng Việt, tiếng Khmer", già làng Keo Ônl cho biết thêm.

Một cán bộ trinh sát Ðồn Biên phòng Phước Tân nơi đây chia sẻ: "Thấy già làng cũng còn khó khăn mà hay đi vận động góp tiền cho người khác có hoàn cảnh khổ hơn, chúng tôi nể phục lắm. Có dịp lứa heo rừng nuôi trong đồn chuẩn bị xuất chuồng, chúng tôi đã biếu cặp giống tốt cho già làng. Già làng làm nhiều việc có ích cho nhân dân, cho biên giới cho nên ai cũng thương quý".

DƯƠNG MINH ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/42256102-gia-lang-keo-onl.html