Gia Lâm đầu tư lớn cho bảo tồn di tích

Xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị, văn minh, hiện đại, những năm qua, song song với việc phát triển kinh tế, huyện Gia Lâm cũng đặc biệt quan tâm đầu tư cho lĩnh vực văn hóa xã hội, trong đó có công tác trùng tu tôn tạo, bảo vệ di tích và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương.

Số lượng di tích đồ sộ, lễ hội đặc sắc

Nằm trong vùng đất cổ giao thoa giữa hai nền văn hóa Thăng Long và Kinh Bắc, Gia Lâm có tổng cộng 318 di tích, trong đó có 173 di tích được xếp hạng (đạt 54%) gồm: 157 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia và TP, 16 địa điểm được gắn biển di tích cách mạng kháng chiến. Bên cạnh đó, 100% lễ hội truyền thống được tổ chức ở các thôn làng và gắn với các di tích, trong đó có những lễ hội truyền thống đặc sắc như: Lễ hội Gióng (xã Phù Đổng) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Lễ hội làng Chử Xá (xã Văn Đức) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; Lễ hội Chùa Nành (xã Ninh Hiệp); Lễ hội Đình – Chùa Sủi (xã Phú Thị); Lễ hội Đền – Chùa Bà Tấm (xã Dương Xá); Lễ hội Đình làng Bát Tràng (xã Bát Tràng)...

 Bảo vật Quốc gia - Tượng đôi sư tử đá ở Đền -chùa Bà Tấm, xã Dương Xá. Ảnh: Hoàng Quyết

Bảo vật Quốc gia - Tượng đôi sư tử đá ở Đền -chùa Bà Tấm, xã Dương Xá. Ảnh: Hoàng Quyết

Tuy nhiên, trải qua thời gian, nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, cần được tu bổ tôn tạo. Vì thế, từ năm 2016 đến nay, UBND huyện Gia Lâm đã rà soát đưa vào danh mục thực hiện đề án tu bổ tôn tạo trên 100 di tích với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, năm 2016 là 34 di tích; năm 2017 – 2018 là 61 di tích; năm 2019 hơn 20 di tích, tập trung ở các xã, thị trấn: Phù Đổng, Dương Hà, Phú Thị, Dương Xá, Đa Tốn, Trâu Quỳ, Kiêu Kỵ, Văn Đức, Dương Quang... Năm 2020, huyện tiếp tục khởi công tu bổ 23 di tích với tổng kinh phí khoảng 500 – 600 tỷ đồng, đến nay đã đưa vào sử dụng 9 di tích.
Bên cạnh kinh phí đầu tư của huyện, chính quyền và Nhân dân các xã trên địa bàn Gia Lâm cũng triển khai thực hiện tu bổ tôn tạo các di tích bằng hình thức xã hội hóa với tổng kinh phí gần 80 tỷ đồng. Có thể kể đến: Chùa Bà Tấm giai đoạn I (xã Dương Xá); Đình Khoan Tế (xã Đa Tốn); Đền thờ Hoàng hậu Lê Ngọc Hân (xã Ninh Hiệp)...
Hiện đại hóa công tác quản lý
Để tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, từ năm 2017 đến nay, huyện Gia Lâm đã tiến hành kiểm kê hiện vật được 197 di tích với tổng số hàng nghìn hiện vật. Mỗi di tích sau khi được kiểm kê có một bộ hồ sơ quản lý, gồm: Phiếu kiểm kê, sơ đồ vị trí hiện vật; hồ sơ giá trị, hiện trạng hiện vật và thẻ nhớ dữ liệu.
Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương, quá trình kiểm kê đã giúp “phát lộ” nhiều hiện vật có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử. Hiện tại, Gia Lâm có 3 cổ vật được công nhận Bảo vật quốc gia, gồm: Tượng Quan Thế Âm Thiên thủ Thiên nhãn (thế kỷ XVI) được lưu giữ tại chùa Đào Xuyên, xã Đa Tốn; Tượng đôi sư tử đá (thế kỷ XII) và Khám thờ gỗ sơn son thếp vàng (thế kỷ XVI) được lưu giữ tại Di tích đền – chùa Bà Tấm, xã Dương Xá.
Tuy nhiên, công tác trùng tu tôn tạo, bảo vệ di tích và hiện vật ở Gia Lâm cũng đang gặp nhiều khó khăn. Theo bà Phùng Thị Hoài Hương, số lượng di tích quá lớn, có niên đại rất lâu, cần kinh phí tu sửa nhiều. Do đó, thứ nhất, rất cần sự quan tâm đầu tư của các cấp ngành, từ T.Ư, TP tới địa phương. Thứ hai, cần nâng cao nhận thức cho người dân, kể cả những người làm công tác quản lý di tích về những giá trị vĩnh cửu, trường tồn của di tích, hiện vật để có hướng bảo tồn phù hợp. Đặc biệt, rất cần nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu trong công tác tư vấn, nghiên cứu, tu bổ di tích. Ngay cả công tác bảo quản, xử lý, bảo vệ hiện vật sau khi được kiểm kê cũng đang là vấn đề nan giải...
Để đáp ứng yêu cầu hiện nay, bà Phùng Thị Hoài Hương đề nghị công tác quản lý di tích, hiện vật cần được xuyên suốt từ T.Ư tới địa phương, tới từng di tích bằng một phần mềm, phân cấp cụ thể theo phạm vi, đối tượng để đảm bảo an toàn cho hiện vật. Có như vậy, giá trị kiến trúc cũng như hiện vật của các di tích và giá trị tinh thần của các lễ hội truyền thống mới được phát huy một cách đầy đủ, sinh động.

Hoàng Quyết

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/gia-lam-dau-tu-lon-cho-bao-ton-di-tich-401987.html