Gia Lai: Tránh miệng hà bá, dân lại gặp khó trên đất bằng

Được di dời từ vùng bờ sông sạt lở nguy hiểm lên đất bằng nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản, nhưng sau 2 năm về làng mới, bà con ở xã Ia Rsai (Krông Pa, Gia Lai) vẫn khó khăn trăm bề do thiếu nước, điện, đường, trường, đất chưa có 'sổ đỏ', tên làng cũng không có.

Năm 2012, dự án di dân vùng sạt lở bên bờ sông Ba tại 4 buôn: Puh, Kting, Chik và Pan (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa) được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt với kinh phí hơn 17 tỷ đồng để đảm bảo an toàn tính mạng và ổn định đời sống sản xuất của người dân.

Theo đó có 170 hộ dân với gần 900 nhân khẩu người đồng bào dân tộc J’Rai sinh sống trong khu vực nguy hiểm được di dời đến nơi ở mới, cách làng cũ khoảng 1km. Mỗi hộ dân được hỗ trợ 10 triệu đồng, cấp 700 – 800 m2 đất bao gồm đất ở và đất sản xuất, hơn 100 cây huỳnh đàn, 8 cây ăn quả, kẽm gai để rào vườn.

Làng tái định trên vùng đất mới chật vật do thiếu nước, điện sinh hoạt

Tuy nhiên, hơn 3 năm nay nguồn kinh phí thực hiện di dân bị cắt khiến dự án thực hiện dở dang, hệ thống cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt gần như không có. Đến nay, trong hơn 17 tỷ đồng thực hiện dự án, chỉ mới giải ngân được hơn 8 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 7,2 tỷ và địa phương 1,5 tỷ đồng). Vì thế đời sống của người dân ở làng cũ đã khó, nay dời lên làng mới càng khổ hơn, cuộc sống hàng ngày của các hộ dân nơi đây khá chật vật, quay quắt do thiếu điện, nước, đi lại khó khăn. Thấy làng mới quá khó, quá khổ nên còn một số hộ dân nhất quyết không chịu di dời, cố bám trụ bên bờ sông mặc cho nguy hiểm rình rập.

Anh K’Pă Mlúi (buôn Kting, đã chuyển về làng mới gần 2 năm) cho biết: “Tôi về ở làng mới nhưng vẫn còn nhiều khó khăn lắm. Làng mới không có đường điện, phải mua dây kéo điện từ làng cũ về. Nước sinh hoạt cũng thiếu, thường bà con phải mang can ra sông, suối lấy nước về dùng. Do làng mới không có trường học nên con cái phải về làng cũ để học”.

Ông Nay Thuy – Trưởng thôn buôn Chik chia sẻ: Bà con trong làng còn rất nhiều khó khăn do thiếu nước, điện, đường đi lại chưa được thuận tiện. Hiện, số hộ nghèo chiếm hơn một nửa dân cư. Trước đây, làng có đào 4 giếng nước nhưng vì số hộ dân đông nên nước vẫn không đủ dùng, nhiều hộ tự bỏ tiền để khoan giếng. Để có điện sáng, bà con phải kéo dây điện từ làng cũ, đường dây xa nên lượng điện hao hụt lớn tăng chi phí lên 2-3 lần.

Bờ sông Ba không ngừng sạt lở, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản người dân

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đinh Xuân Duyên - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Krông Pa cho biết: Do dự án thiếu kinh phí nên mới thực hiện cầm chừng, cơ sở hạ tầng còn rất nhiều khó khăn. Trong hơn 17 tỷ đồng được phê duyệt trong dự án chỉ mới cấp được hơn 8 tỷ đồng, vì thế chưa thể đảm bảo đầy đủ các điều kiện điện, đường, nước sinh hoạt cho bà con. Hiện vẫn còn 14 hộ chưa chịu di dời sang làng mới.

Các hộ dân di dời thuộc diện khó khăn nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn sản xuất. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Pa đang gấp rút tiến hành đo đạc, làm thủ tục hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trong năm 2019, để các hộ dân có căn cứ làm hồ sơ vay vốn ngân hàng, đầu tư làm ăn, phát triển nông nghiệp.

“Huyện đã đề xuất kéo dài thời gian thực hiện dự án để các sở, ban, ngành của tỉnh và Trung ương hỗ trợ thêm vốn bố trí dân cư di dời khỏi vùng sạt lở và đầu tư cơ sở hạ tầng cần thiết đang còn thiếu tại làng tái định cư. Hiện tại làng vẫn chưa có tên”, ông Đinh Xuân Duyên chia sẻ.

Cũng tại huyện Krông Pa, 1 vùng dân cư khác cạnh bờ sông Ba (xã Chư Rcăm) cũng nằm trong diện nguy hiểm, cần phải di dời khẩn cấp do sạt lở đe dọa tính mạng 110 hộ với gần 500 khẩu. Theo đó, tỉnh Gia Lai đã có báo cáo và đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án di dân ra khỏi nơi nguy hiểm theo quyết định 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn. Dự kiến, kinh phí thực hiện 42 tỷ đồng.

UBND Gia Lai tỉnh chỉ đạo khẩn trương khắc phục, di dời dân khỏi nơi nguy hiểm

Liên quan dự án di dời dân cư ở vùng sạt lở xã Ia Rsai dở dang, UBND tỉnh Gia Lai vừa có văn bản yêu cầu huyện Krông Pa tiếp tục rà soát lại các hạng mục của dự án. Trong đó làm rõ các hạng mục cần thiết để tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ổn định đời sống dân cư từ ngân sách địa phương. Đối với các hạng mục huyện thật sự khó khăn về kinh phí thì đề xuất UBND tỉnh xem xét.

Đồng thời, UBND tỉnh Gia Lai đã gửi văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí để thực hiện di dời 110 hộ dân ở xã Chư Rcăm. Trong lúc chưa có ý kiến của các bộ, ngành, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu huyện Krông Pa xây dựng phương án di dời tạm thời các hộ có nguy cơ cao về sạt lở đất bờ sông ra khỏi khu vực sạt lở để tránh thiệt hại về tài sản và tính mạng người dân trong mùa mưa lũ.

Lê Kiến

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/gia-lai-tranh-mieng-ha-ba-dan-lai-gap-kho-tren-dat-bang-914613.html