Gia Lai: Tận dụng tốt EVFTA, xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng

Kim ngạch xuất khẩu tỉnh Gia Lai năm 2020 cán đích ở con số 580 triệu USD, tăng 16% so với năm 2019. Đây là một kết quả ấn tượng từ sự nỗ lực hỗ trợ của ngành Công Thương và việc chủ động thích ứng, tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA của các doanh nghiệp.

Kim ngạch xuất khẩu tỉnh Gia Lai tăng trưởng ấn tượng nhờ một số doanh nghiệp đã tận dụng rất tốt ưu đãi thuế quan trong EVFTA (Ảnh: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp Gia Lai là một đơn vị tiêu biểu tận dụng EVFTA để xuất khẩu cà phê sang thị trường EU)

Kim ngạch xuất khẩu tỉnh Gia Lai tăng trưởng ấn tượng nhờ một số doanh nghiệp đã tận dụng rất tốt ưu đãi thuế quan trong EVFTA (Ảnh: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp Gia Lai là một đơn vị tiêu biểu tận dụng EVFTA để xuất khẩu cà phê sang thị trường EU)

Tăng trưởng “bất chấp” dịch bệnh

Theo Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 580 triệu USD, tăng 16% so với năm 2019.

Trong đó một số mặt hàng đạt mức tăng trưởng cao như Cà phê: 200.000 tấn/ 298 triệu USD tăng 11,73% về lượng, tăng 2,4% về giá trị; Mủ cao su: 6.500 tấn/9,4 triệu USD, tăng 75,6 % về lượng, tăng 70,9% về giá trị. Hàng khác đạt 263,3 triệu USD tăng 34,6% so cùng kỳ, trong đó, mặt hàng trái cây tươi, nước ép hoa quả đạt hơn 80 triệu USD và tăng trưởng hơn 20% so cùng kỳ.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai – ông Phạm Văn Binh cho biết, để đạt được kết quả trên có nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là sự quyết tâm vượt khó của doanh nghiệp, tìm ra giải pháp thích ứng với dịch bệnh. Theo ông Binh, việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh là một lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) chính thức có hiệu lực vào tháng 8/2020 tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường rộng lớn với thuế nhập khẩu ưu đãi về 0% trong thời gian ngắn đối với phần lớn các mặt hàng nông sản, một số ngành hàng có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp của tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, trái cây...thúc đẩy gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Đơn hàng, sản lượng, kim ngạch xuất khẩu chanh dây của công ty Đồng Giao Gia Lai đã tăng tới 140% trong năm 2020 khi EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020

Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (chi nhánh Gia Lai) là một trong hai đơn vị đầu tiên của Gia Lai cũng như cả nước xuất khẩu nông sản (chanh dây) sang thị trường EU theo diện ưu đãi của hiệp định EVFTA.

Ông Đinh Văn Tĩnh – Phó Giám đốc phụ trách Công ty chi nhánh Gia lai cho biết, năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của Đồng Giao ước đạt hơn 90 triệu USD, trong đó, riêng cơ sở Đồng Giao Gia Lai chiếm hơn 50% với kim ngạch xuất khẩu khoảng 50 triệu USD. Các thị trường xuất khẩu chính của Công ty là EU, Mỹ, Nhật, Trung Quốc và một số nước Trung Đông.

Ngay khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, Đồng Giao Gia Lai đã được Sở Công Thương hỗ trợ và chủ động áp dụng mẫu C/O EUR.1 – C/O để hưởng ưu đãi thuế quan nhập khẩu hàng vào thị trường EU, đối với mặt hàng chanh dây.

Ông Tĩnh cho biết, trước đây, EU vẫn là thị trường chính, chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất của công ty với nhiều đối tác lớn. Tuy nhiên, sau khi EVFTA có hiệu lực thì lượng khách hàng từ EU chủ động tìm đến hợp tác với công ty nhiều hơn. Đối với những khách hàng truyền thống thì chủ động tăng thêm lượng đơn hàng. Theo ông Tĩnh, thuế nhập khẩu mặt hàng nông sản từ 8 – 12% đã về 0% hoặc có lộ trình giảm về 0% khi EVFTA có hiệu lực là một lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn cho nông sản Việt Nam so với các quốc gia khác trong ASEAN; cân bằng, thậm chí tăng lợi thế cạnh tranh với nhiều quốc gia Nam Mỹ - thị trường xuất khẩu nông sản lớn của thế giới đã có FTA với EU. “Hiện nay, chúng tôi đang xuất khoảng 10 container chanh dây mỗi tuần sang EU. Lượng đơn hàng, sản xuất và kim ngạch xuất khẩu của chúng tôi tăng khoảng 140% so với khi EVFTA chưa có hiệu lực. Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như chúng tôi được hưởng lợi hữu hình rất lớn từ hiệp định này”, ông Tĩnh chia sẻ.

Ngoài chanh dây, Gia lai cũng đã xuất khẩu được nhiều nông sản khác như cà phê, hồ tiêu... theo diện C/O ưu đã của EVFTA, nhiều doanh nghiệp cũng đã linh hoạt áp dụng các form C/O ưu đãi ở các FTA tùy theo thị trường, theo mặt hàng để hưởng lợi tốt nhất.

Gia Lai tăng cường thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến để khép kín chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản đồng thời tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến

Năm 2021, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 610 triệu USD, tăng 5,17% so với năm 2020. Trong đó, nhóm hàng nông sản chủ lực đóng góp 530 triệu USD, còn lại là các nhóm hàng khác.

Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cho biết, để đạt được mục tiêu trên, Sở Công Thương sẽ thúc đẩy sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu với quy mô sản xuất lớn gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu với chất lượng đảm bảo sạch, thân thiện với môi trường sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý cho nông sản, tăng cường liên kết và xây dựng chuỗi trồng – chế biến – tiêu thụ (xuất khẩu) đảm bảo các tiêu chuẩn theo các FTA. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, chú trọng các thị trường mà Việt Nam đã kí kết các FTA như CPTPP, EVFTA, RCEP, ... Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chứng nhận cần thiết cho xuất khẩu như xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, thủ tục làm và cấp C/O...

Đặc biệt, tỉnh Gia Lai chú trọng công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản hiện đại, để khai thác hiệu quả thế mạnh vùng cây công nghiệp Gia Lai cũng như tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong sản xuất khẩu của của tỉnh, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Ông Đinh Văn Tĩnh – PGĐ Công ty Đồng Giao Gia Lai: Hiện công suất sản xuất nhà máy Đồng Giao Gia Lai đang được phát huy ở mức hiệu quả nhất. Với việc gia tăng đơn hàng như hiện tại, và sự thuận lợi hóa thương mại từ các FTA, nhất là EVFTA mang lại, Chúng tôi dự định và chắc chắc có nhu cầu mở rộng, nâng công suất nhà máy để phục vụ cho việc sản xuất, chế biến nông sản, ngoài chanh dây là nông sản dứa.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gia-lai-tan-dung-tot-evfta-xuat-khau-tang-truong-an-tuong-152318.html