Gia Lai: Rừng vẫn tiếp tục “chảy máu”

Theo tin báo của quần chúng nhân dân, các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đang xác minh về một vụ phá rừng tại Tiểu khu 461 (thuộc làng Klot, xã Kon Gang, huyện Đắc Đoa).

Nhiều cây gỗ bị cưa hạ có đường kính 40 - 70cm. Ảnh: NP

Tại hiện trường, khu rừng dưới chân núi nằm cuối làng Klot vẫn ngổn ngang nhiều gốc cây sao xanh có đường kính 30 - 60cm bị cưa ngang sát gốc. Nhựa cây còn ứa ra đen xì, chứng tỏ mới bị cưa hạ trong vòng nửa tháng nay. Xung quanh là những tấm gỗ dày, to nằm ngay ngắn. Vào sâu bên trong cánh rừng già, nhiều cây bằng lăng, dổi cùng nhiều loại cây có giá trị khác có đường kính 60 - 70cm cũng bị cưa hạ một cách không thương tiếc. Lâm tặc đã xẻ thành nhiều tấm gỗ dài 2 - 3m, chờ cơ hội vận chuyển ra ngoài rừng tiêu thụ.

Ước tính tại Tiểu khu 461, làng Knol có 8 gốc cây sao xanh, bằng lăng, gội, dổi, đường kính từ 60 - 80cm bị triệt hạ. Còn theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang, tại Tiểu khu 527, có 16 cây gỗ bị khai thác, khối lượng gần 20m 3 gỗ; tại Tiểu khu 528 thuộc rừng sản xuất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Chiêng có 2 cây gỗ lớn bị khai thác với khối lượng 1,5m 3 …

Được biết, khu vực rừng bị tàn phá nêu trên Nhà nước đã giao UBND xã Kon Gang quản lý, nhưng không hiểu lý do gì mà nạn tàn phá rừng vẫn xảy ra ngang nhiên giữa “thanh thiên bạch nhật”?

Ông Phạm Văn Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã Kon Gang cho biết, UBND xã Kon Gang quản lý diện tích rừng tự nhiên và đất rừng khoảng hơn 500ha, trong đó có hơn 140ha đất rừng cần phải trồng mới. UBND xã đã giao khoán cho 63 hộ dân đăng ký nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Sau khi có tin về vụ phá rừng tự nhiên, UBND xã đã cử cán bộ đi kiểm tra hiện trường, phát hiện nhiều cây bị cưa hạ có đường kính 40 - 70cm; chúng tôi đã khoanh vùng một số đối tượng có thể là người dân tộc thiểu số nhưng ở địa bàn khác sang đây khai thác trái phép.

Ông Nguyễn Hữu Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắc Đoa thông tin thêm: “Hạt cũng đã nắm được thông tin về vụ việc trên, qua xác minh ban đầu thì có thể một số người dân địa phương lén lút khai thác gỗ về làm nhà. Chúng tôi đang phối hợp tiến hành xác minh, điều tra làm rõ”.

Ngay bên cạnh huyện Đắc Đoa là huyện Mang Giang cũng vừa xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng tại xã Lơ Pang.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Gia Lai đã có Văn bản số 2681 gửi các sở, ngành, chính quyền các địa phương và các chủ rừng yêu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; trong đó cần quy rõ trách nhiệm để xử lý những hộ nhận khoán bảo vệ rừng nhưng không hoàn thành nhiệm vụ, vẫn để xảy ra phá rừng trái phép, lấn chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất...

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đắc Đoa chỉ đạo các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và đơn vị chủ rừng tổ chức tuần tra, truy quét nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời nạn khai thác rừng trái phép; giám sát chặt chẽ việc phát dọn thực bì để trồng rừng, không để xảy ra việc các đối tượng lợi dụng phát thực bì để phá rừng; báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 4/8/2017.

Sở NN&PTNT tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm Mang Yang; UBND huyện Mang Yang, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Chiêng tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể cá nhân có liên quan do không làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, để xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép tại Lơ Pang…

Nguyên Phê

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/moi-truong/gia-lai-rung-van-tiep-tuc-chay-mau_t114c1143n122579