Gia Lai: Phát huy vai trò của các mô hình tự quản

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 7.500 mô hình tự quản của nhân dân. Trong đó, mô hình tự quản về kinh tế có trên 4.719 mô hình; tự quản về an ninh trật tự có 936 mô hình...

Lễ ra mắt mô hình Nông hội làng Vẻh, xã Chư Krey,huyện Kông Chro, Gia Lai.

Lễ ra mắt mô hình Nông hội làng Vẻh, xã Chư Krey,huyện Kông Chro, Gia Lai.

Gia Lai là một tỉnh nằm ở phía Bắc của Tây Nguyên, với diện tích tự nhiên trên 15 nghìn km2 (đứng thứ 2 cả nước), dân số trên 1,5 triệu người, là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chủ yếu là dân tộc Jrai và Bahnar, chiếm hơn 46%. Tỉnh Gia Lai hiện có 17 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 01 thành phố, 02 thị xã và 14 huyện); 220 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 38 phường, thị trấn và 182 xã); 1576 thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư.

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 7.500 mô hình tự quản của nhân dân. Trong đó, mô hình tự quản về kinh tế có trên 4.719 mô hình; tự quản về an ninh trật tự có 936 mô hình; tự quản về bảo vệ môi trường có 915 mô hình; tự quản về xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh có 656 mô hình và còn lại là các mô hình tự quản khác.

Hầu hết các mô hình tự quản do Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và một số ngành liên quan phối hợp thành lập thực hiện.

Theo Bà Phạm Thị Lan – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai cho biết: “Xác định tầm quan trọng của các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, MTTQ Việt Nam các cấp đã tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, các tổ chức thành viên hướng dẫn, xây dựng các mô hình tự quản nhân dân phù hợp với từng khu dân cư và nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân trên nhiều lĩnh vực như: đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, giúp nhau phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nếp sống văn minh, góp phần ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”.

Nhiều hoạt động của các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đánh giá cao, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả và được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng như: Mô hình camera an ninh; mô hình tiếng kẻng an ninh; mô hình không rác thải nhựa; mô hình khu dân cư sáng – xanh – sạch – đẹp; mô hình tổ bảo vệ nông sản theo mùa vụ; mô hình câu lạc bộ Phụ nữ nói không với tín dụng đen; mô hình làng phụ nữ kiểu mẫu; mô hình con đường thanh niên tự quản...

Các hộ gia đình ký cam kết tham gia bảo vệ môi trường, tại lễ ra mắt mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, của xã Phú An, huyện Đak Pơ.

Trên lĩnh vực an ninh trật tự các mô hình tự quản đã huy động được sức mạnh tổng hợp trong quần chúng nhân dân, ý thức của người dân trong công tác phòng ngừa, tố giác tội phạm được nâng lên rõ rệt.

Trong tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các mô hình tự quản đã góp phần cùng với hệ thống chính trị ở cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Từ năm 2015 đến nay với sự tham gia của các mô hình tự quản, MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp trên 328 tỷ đồng, hiến tặng trên 132 ngàn m2 đất, góp trên 47 ngàn ngày công lao động để nâng cấp, cải tạo đường làng, ngõ xóm, điện chiếu sáng, cải tạo kênh mương nội đồng....

Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có 70 xã và 41 thôn, làng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới; 25/38 phường, thị trấn đạt danh hiệu “phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; thành phố Pleiku được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa đang hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, có 1.277/1.576 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư văn hóa (đạt 81,02%); 274.924/346.856 gia đình đạt chuẩn “Gia đình văn hóa” (đạt 79,3%).

Cần phát huy hiệu quả của các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư, trong thời gian tới cần có những giải pháp cụ thể, đồng bộ. Trong đó nhân tố quan trọng đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, thường xuyên của cấp ủy Đảng, sự phối hợp hỗ trợ của chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Ngoài ra, các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư phải là phong trào tự nguyện, tự giác, tự chịu trách nhiệm, tự chủ về kinh phí và phải được sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia của người dân, xuất phát từ lợi ích của nhân dân, phục vụ nhân dân và được nhân dân đồng tình, ủng hộ như vậy mô hình mới tồn tại, bền vững và có sức lan tỏa. Cần xác định nội dung mô hình tự quản cụ thể, phù hợp, sát với đặc điểm từng khu dân cư và coi mục đích phục vụ lợi ích của người dân phải đặt lên hàng đầu.

Để các mô hình tự quản có tính bền vững và hoạt động hiệu quả cần phát huy tốt vai trò nòng cốt, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo. Thành viên tham gia các mô hình tự quản, nhất là người đứng đầu phải tâm huyết, có uy tín và khả năng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động. Định kỳ sơ kết, tổng kết và kịp thời biểu dương, khen thưởng các mô hình tự quản và tổ chức nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới hiệu quả.

Trong thời gian tới các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai, cần nghiên cứu hợp nhất các tổ chức tự quản hiện có ở khu dân cư thành một tổ chức thống nhất chung do một cơ quan chủ trì theo hướng tinh gọn, thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ nhằm tránh chồng chéo, trùng lắp về mô hình, đối tượng vận động. Sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chí hay khung chuẩn cho mô hình tự quản; hướng dẫn xây dựng quy trình, cách thức xây dựng tổ tự quản và quy chế hoạt động chung của các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ để các mô hình tự quản phát huy tốt nhất hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

Lê Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/gia-lai-phat-huy-vai-tro-cua-cac-mo-hinh-tu-quan-546547.html