Gia Lai: Phát hiện, xử lý nhiều sai phạm tại các Ban Quản lý rừng phòng hộ

Qua thanh tra, ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã phát hiện nhiều sai phạm ở các Ban Quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh. Mất đất, mất rừng, lộ nhiều khoản chi sai để trục lợi hàng tỉ đồng tiền ngân sách Nhà nước đang là thực trạng xảy ra ở hàng loạt các Ban Quản lý rừng của tỉnh Gia Lai.

BQL RPH Ia Grai để mất rừng nhưng không báo cáo cơ quan chức năng

Mất đất, mất rừng

Mới đây, theo kết quả kiểm tra của ngành chức năng huyện Chư Sê (Gia Lai) phát hiện việc nhiều ha rừng phòng hộ tại Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Ayun Pa bị chặt phá và lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, qua xác minh phát hiện 2,5ha rừng bị chặt phá trái phép. Qua đo đếm của lực lượng chức năng, có 336 gốc bị chặt (trong đó 107 gốc cũ, 229 gốc mới), chủng loại: dầu, cà chít, căm xe. Khối lượng gỗ bị thiệt hại gần 19m3, lâm tặc đã mang đi hơn 7m3. Mở rộng kiểm tra, Đoàn còn phát hiện có hơn 120ha đất của BQL RPH Ayun Pa cũng bị người dân lấn chiếm nhiều năm nay.

Cũng trong năm 2018 tại BQL RPH Ia Ly, lực lượng chức năng đã phát hiện 02 vụ phá rừng quy mô lớn, khối lượng gỗ bị thiệt hại là trên 165m3. Còn tại BQL RPH Ia Grai từ năm 2001 - 2015 được giao quản lý, trồng rừng trên toàn bộ diện tích 717ha. Tuy nhiên, diện tích rừng còn lại tại thời điểm kiểm tra chỉ còn gần 279ha. Kết quả thanh tra cho thấy, đơn vị này đã để rừng bị lấn chiếm, cháy là hơn 360ha, gây thiệt hại và lãng phí tài sản Nhà nước tương ứng với số tiền lên đến hơn 12,4 tỉ đồng.

Cũng qua thanh tra việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp từ 2014 đến giữa năm 2018, BQL RPH Bắc An Khê để mất hơn 1.266ha đất và rừng, tương đương với 86,3% diện tích được giao bảo vệ, quản lý. BQL RPH Ya Hội để người dân xâm canh 882ha, tương đương hơn 68% diện tích được giao bảo vệ. Hầu hết diện tích của 02 Ban này đã bị biến thành nương rẫy trồng cây công nghiệp dài ngày của người dân.

Nghiêm trọng nhất là tại BQL RPH Bắc Biển Hồ, đơn vị này được tỉnh Gia Lai giao quản lý tổng diện tích đất lâm nghiệp là 9.100ha. Tuy nhiên, theo báo cáo của BQL RPH Bắc Biển Hồ, diện tích đất lâm nghiệp đơn vị đang quản lý chỉ có hơn 6.600ha. Như vậy, đã có gần 2.500ha đất bị người dân lấn chiếm để sử dụng. Đáng nói, trong số này còn có cả cán bộ, nhân viên BQL RPH Bắc Biển Hồ, với tổng diện tích lấn chiếm, sử dụng trái phép gần 85.000m2 đất lâm nghiệp, trong đó hơn 56.000m2 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

2,5 ha rừng phòng hộ thuộc BQL RPH Ayun Pa bị chặt phá

Chi sai, trục lợi hàng tỉ đồng

Mới đây, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã phát hiện tại BQL RPH Đăk Đoa xảy ra nhiều sai phạm về tài chính. Theo đó, giai đoạn từ 2013 - 2017, BQL RPH Đăk Đoa được nhận hơn 27 tỉ đồng tiền ngân sách và tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ 18.000ha rừng. Tuy nhiên, với việc chi sai khoản tiền cho thuê đất, thanh lý xe ô tô; sử dụng nguồn kinh phí phục vụ phòng cháy, chữa cháy; chi trả tiền thuê nhân viên; lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số để lập chứng từ kế toán không trung thực nhằm hợp thức hóa hồ sơ…, đơn vị này bị phát hiện sai phạm với số tiền hơn 05 tỉ đồng.

Tại BQL RPH Ia Grai, ngoài việc để mất đất, mất rừng với diện tích lớn, Ban này còn trục lợi ngân sách hàng tỉ đồng. Qua kiểm tra, Thanh tra tỉnh Gia Lai phát hiện Ban này giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng thiếu chặt chẽ, không đúng đối tượng; lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân địa phương để nhờ ký hộ các thủ tục nhận tiền giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, hợp thức hóa cho việc thanh quyết toán, với tổng số tiền sai phạm gần 7 tỉ đồng.

Còn tại BQL RPH Bắc Biển Hồ, theo kết quả thanh tra, giai đoạn 2012 - 2016, BQL RPH Bắc Biển Hồ tiếp nhận các nguồn để bảo vệ, chăm sóc và trồng rừng thay thế hơn 25 tỉ đồng. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, Ban này đã làm sai nguyên tắc tài chính khi không làm thủ tục nhập quỹ tổng số tiền hơn 3,6 tỷ đồng. Sau khi kiểm tra sổ sách, ngoài 2,4 tỉ đồng có chứng từ chứng minh thì 1,2 tỉ đồng còn lại không chứng minh được việc sử dụng vào mục đích gì và cũng không còn trong quỹ. Ngoài ra, có hơn 1,1 tỉ đồng tiền ghi nợ cũng không được nhập sổ, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Nhiều ha rừng phòng hộ bị xóa sổ do cán bộ quản lý thiếu trách nhiệm

Xử lý hàng loạt cán bộ

Liên quan đến sai phạm tại BQL RPH Đăk Đoa, sau khi Ban này đã nộp khắc phục một số khoản, Thanh tra tỉnh Gia Lai kiến nghị thu hồi tổng số tiền sai phạm hơn 4,7 tỷ đồng. Đồng thời, Thanh tra tỉnh cũng kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai xử lý trách nhiệm đối với 07 cá nhân của Ban có liên quan.

Tháng 6/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố đối với ông Nguyễn Đức - nguyên Trưởng ban BQL RPH Bắc Biển Hồ về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ. Ông Nguyễn Đức bị bắt tạm giam 03 tháng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng khởi tố với hành vi trên đối với ông Tưởng Tín - nguyên Trưởng ban BQL RPH Bắc Biển Hồ; ông Ngô Văn Bằng - nguyên Chủ tịch UBND xã Diên Phú và ông Mã Phi Bình - nguyên cán bộ địa chính xã Diên Phú (TP. Pleiku) về hành vi thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng. Cả 03 bị can Tín, Bằng, Bình được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Đối với các sai phạm tại các BQL RPH khác trên địa bàn, toàn bộ hồ sơ đã được chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Gia Lai để điều tra, xử lý.

Như vậy, sau cuộc thanh tra toàn diện đối với hầu hết các BQL RPH tại tỉnh Gia Lai, ngoài việc phát hiện nhiều sai phạm về tài chính cũng như diện tích rừng bị mất và bị lấn chiếm, còn lộ rõ năng lực quản lý của nhiều cán bộ trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương. Một cuộc cải tổ, luân chuyển công tác cán bộ quản lý, bảo vệ rừng giữa các địa phương của tỉnh cũng đã được thực hiện. Hy vọng, qua cuộc thanh tra này, thời gian tới, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại tỉnh Gia Lai sẽ được chấn chỉnh và có nhiều đổi thay tích cực.

Quế Mai

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/an-ninh-trat-tu/gia-lai-phat-hien-xu-ly-nhieu-sai-pham-tai-cac-ban-quan-ly-rung-phong-ho-1261300.html