Gia Lai nâng cao nhận thức của người dân trong việc ngăn chặn, bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại

Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc ngăn chặn, bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại.

Ảnh minh họa. (Nguồn: tinhuygialai.org.vn)

Ảnh minh họa. (Nguồn: tinhuygialai.org.vn)

Được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ VHTTDL, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW gắn với chủ trương xây dựng con người Gia Lai phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) "về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa", Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", Phong trào xây dựng "thôn, làng, khu phố văn hóa"; "Xã, phường, thị trấn văn minh đô thị", Phong trào xây dựng "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa"...

Trong quá trình triển khai thực hiện, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống được chỉ đạo điều chỉnh phù hợp với từng đối tượng trong xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ; chú trọng công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa; xây dựng môi trường sống văn minh, lành mạnh, quan tâm đến sự phát triển của nhân tố con người.

Công tác phổ biến, tuyên truyền Chỉ thị số 46-CT/TW được tiến hành sâu rộng, bằng nhiều hình thức như: Cổ động trực quan; tuyên truyền lưu động (Tổ chức 21 cuộc triển lãm, 60 cụm Pano tuyên truyền cố định, 10.205m2 các loại pano tuyên truyền cổ động các sự kiện trong năm, 3000 tờ mẫu tranh cổ động) trên hệ thống thông tin đại chúng của tỉnh, huyện; Các hoạt động văn hóa, văn nghệ như: liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật, lồng ghép trong các buổi chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật; tiêu chí đánh giá Làng văn hóa, Gia đình văn hóa trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong việc chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội; đưa chỉ thị đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển sự nghiệp văn hóa ở địa phương.

Cùng với đó, việc xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa là một giải pháp quan trọng trong việc phòng chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại. Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao việc phát triến lĩnh vực văn hóa như: triển khai thực hiện xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở gắn liền với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổ chức bộ máy, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, thể thao của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của địa phương như: Quy hoạch Quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 (Quyết định 226/QĐ-UBND, ngày 20/3/2017); Quy hoạch phát triển ngành thể dục thể thao tỉnh Gia Lai đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 (Quyết định 849/QĐ-UBND ngày 11/12/2017); Quy hoạch phát triển ngành văn hóa tỉnh Gia Lai đến năm 2020, định hướng 2030 (Quyết định số 639/QĐ-UBND ngày 21/8/2017). Công tác xây dựng cơ quan văn hóa được nâng cao và tăng dần theo các năm, đến nay có 1.276/1.787 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, đạt tỷ lệ 71,4%; có 25/38 phường, thị trấn đạt danh hiệu "Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị" đạt tỷ lệ 65,8%.

Các phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa", Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", Phong trào xây dựng "thôn, buôn, khu phố văn hóa"; "Xã, phường, thị trấn văn minh đô thị", Phong trào xây dựng "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa", Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", phong trào học tập, lao động sáng tạo, phong trào xây dựng "Người tốt việc tốt" các điển hình tiên tiến... Năm 2005, có 76.500/219.927 gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 34,78%), đến cuối năm 2019 có 274.924/346.856 gia đình được công nhận gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 79,3% (tăng 44,6%); năm 2005, có 448/1.815 thôn, làng, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 24,7%, đến cuối năm 2019, có 1.277/1.605thôn, làng, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 79,6% (tăng 54,9%).

Bên cạnh đó, công tác quản lý trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được tăng cường. Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai chỉ đạo tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các quy định của pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, trong đó lồng ghép triển khai các nội dung của Chỉ thị 46/CT-TW của Ban Bí thư về chống sự thâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội cho lãnh đạo và công chức Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, lãnh đạo, cán bộ công chức chuyên môn xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh và các chủ cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 40 đợt thanh kiểm tra theo kế hoạch đề ra và các đợt đột xuất đối với các cơ sở kinh doanh hoạt động văn hóa, thể thao, dịch vụ trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn chặn các hoạt động văn hóa không lành mạnh, các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào địa bàn tỉnh./.

Anh Vũ

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/gia-lai-nang-cao-nhan-thuc-cua-nguoi-dan-trong-viec-ngan-chan-bai-tru-cac-san-pham-van-hoa-doc-hai-20200907142613159.htm