Gia Lai: Nâng cao năng lực xây dựng thực đơn cho cán bộ bán trú

Sở Giáo dục & Đào tạo (GDĐT) tỉnh Gia Lai phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức buổi Tập huấn Nâng cao năng lực xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho 80 trường tiểu học bán trú và dự kiến tổ chức bếp ăn bán trú trên toàn địa bàn tỉnh.

Tham dự buổi tập huấn có PGS TS Bác sĩ Bùi Thị Nhung – đại diện Viện Dinh Dưỡng quốc gia - Bộ Y tế; bà Lê Thị Thường – Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GDĐT tỉnh Gia Lai; cùng đại diện các trường tiểu học bán trú và dự kiến tổ chức bếp ăn bán trú tại địa phương.

Bà Lê Thị Thường – Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Sở GDĐT tỉnh Gia Lai chỉ đạo triển khai Dự án.

Được biết, Gia Lai là một trong 44 tỉnh thành hiện đang áp dụng Phần mềm Xây dựng Thực đơn Cân bằng Dinh dưỡng trong công tác bán trú. Phần mềm thuộc Dự án Bữa ăn học đường do Công ty Ajinomoto Việt Nam khởi xướng phát triển vào năm 2012, hưởng ứng Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011- 2030.

Sau hơn một năm triển khai áp dụng, đánh giá tầm quan trọng của việc thực hiện Bữa ăn dinh dưỡng, Sở GDĐT tỉnh Gia Lai tiếp tục phối hợp với Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm cho các trường nhằm nâng cao kỹ năng xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, từ đó tối ưu hóa hiệu quả của phần mềm.

Buổi tập huấn giới thiệu đến các trường Bộ thực đơn mẫu cho khu vực miền Trung, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cũng như nguồn thực phẩm tại địa phương. Dựa vào thực đơn này, các thầy cô sẽ thực hành chuẩn bị những thực đơn mới đảm bảo cân bằng dinh dưỡng bằng Phần mềm của Dự án. Trong suốt quá trình thực hành thao tác, Ban Dự án trực tiếp hướng dẫn và giải đáp thắc mắc để các thầy cô có thể thao tác thành thạo sau buổi tập huấn.

Khẩu phần ăn đảm bảo cân bằng dinh dưỡng được chuẩn bị theo Phần mềm của Dự án

Song song đó, Bà Lê Thị Thường – Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học cũng chỉ đạo các trường áp dụng bộ áp phích minh họa “Ba phút thay đổi nhận thức” cho học sinh trước mỗi giờ ăn. Với những thông tin dinh dưỡng được minh họa trực quan sinh động, đây là công cụ hỗ trợ nhà trường giáo dục kiến thức dinh dưỡng và lợi ích thực phẩm cho học sinh, giúp các em hình thành sự yêu thích đối với thực phẩm, từ đó xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh.

Theo PGS TS Bác sĩ Bùi Thị Nhung, ở các quốc gia phát triển, chương trình bữa ăn học đường được quy định rõ ràng và cụ thể về tiêu chuẩn dinh dưỡng và điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể tại Nhật Bản, để một trường học bán trú được phép đi vào hoạt động đòi hỏi phải có một Cử nhân dinh dưỡng được đào tạo chuyên môn để tính toán và xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho nhà trường. Vấn đề này đã được quy định và ban hành thành luật kể từ năm 1954. Trong khi đó tại Việt Nam, các trường bán trú thường được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Cán bộ bán trú, những người trực tiếp chăm sóc bữa ăn cho trẻ lại không được đào tạo chuyên môn dinh dưỡng, chủ yếu xây dựng thực đơn dựa vào kinh nghiệm cá nhân. Vì vậy, bữa ăn bán trú chỉ dừng lại ở mức no và ngon miệng, chưa đáp ứng được các yêu cầu về dinh dưỡng. Dự án Bữa ăn học đường do Công ty Ajinomoto Việt Nam khởi xướng và phát triển triển đã và đang đóng góp giải pháp thiết thực cho thực trạng này.

Giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho trẻ ở độ tuổi tiểu học góp phần xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ.

Buổi tập huấn thể hiện sự chú trọng của ngành giáo dục địa phương đối với chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh cũng như sự đánh giá cao và tin tưởng vào hiệu quả của Dự án Bữa ăn học đường trong việc giải quyết tình trạng thiếu cân bằng dinh dưỡng tại Việt Nam. Với những thông tin và chia sẻ từ Ban Dự án cùng chuyên gia dinh dưỡng, các trường bán trú tại địa phương có thể sử dụng thành thạo phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, qua đó từng bước cải thiện dinh dưỡng cho học sinh, góp phần nâng cao tầm vóc và trí tuệ cho thế hệ tương lai của tỉnh nhà.

Nguyễn Ngân

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/gia-lai-nang-cao-nang-luc-xay-dung-thuc-don-cho-can-bo-ban-tru-d150114.html