Hầu hết, những mỏ đất này vốn là đất canh tác của người dân bán cho các doanh nghiệp để khai thác đất san lấp, phục vụ các công trình trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Mặc dù việc khai thác đã kết thúc từ khá lâu, nhưng việc hoàn thổ không được thực hiện khiến những quả đồi bị đào bới nham nhở để lộ ra những khối đá lớn, nhỏ nằm ngổn ngang. Từ đây, những công trường khai thác đất đã biến thành công trường khai thác đá xây dựng trái phép.
Huyện Chư Păh là địa phương được tỉnh Gia Lai đồng ý triển khai 4 mỏ khai thác đất san lấp, tập trung tại xã Hòa Phú để phục vụ các công trình đường giao thông. Được biết, 2 mỏ khai thác đất san lấp này là của Công ty TNHH một thành viên Đông Sơn và Công ty TNHH Xây dựng Thuận Nguyên, đều có trụ sở tại thành phố Pleiku. Về nguyên tắc, các mỏ khai thác khoáng sản này sau khi hoàn thành phải thực hiện việc hoàn thổ nhưng đến nay chưa có bất kỳ mỏ đất nào thực hiện theo cam kết. Để rồi từ đây, chính quyền cơ sở lại phải đối phó với tình trạng tận thu đang diễn ra khá rầm rộ.
Không chỉ riêng Gia Lai, nhiều địa phương cũng đang gặp phải tình trạng tương tự. Việc chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản cần phải được triển khai quyết liệt hơn nữa trong bối cảnh nhu cầu đang tăng cao. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng cần giám sát chặt chẽ việc hoàn thổ đối với các điểm mỏ sau khai thác, để tránh tình trạng tạo thành điểm nóng khai thác khoáng sản trái phép như hiện nay.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!
Đức Hưng - Nguyễn Minh