Gia Lai: Lo sợ đi qua các cây cầu ở TP Pleiku

Mặc dù các đầu cầu đã có biển báo trọng tải, có cảnh báo địa điểm dễ xảy ra tai nạn giao thông, thậm chí đã đúc các trụ bê tông kiên cố để ngăn cấm không cho các loại xe cơ giới lớn đi qua, nhưng rất nhiều xe quá tải, xe quá khổ vẫn ngang nhiên đi qua các cây cầu ở TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Cầu công viên văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai

Cầu công viên văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai

Từ thực trạng này, người dân rất lo sợ mỗi khi phải đi qua cây cầu, nhất là vào mùa mưa lũ. Việc này được minh chứng tại cây cầu thôn 5, xã Gào và Cầu công viên văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai (nơi giáp ranh giữa phường Diên Hồng và phường Yên Đỗ, TP Pleiku với xã Ia Dêr, huyện Ia Grai).

Cây cầu thôn 5, xã Gào, TP Pleiku dài khoảng 15m, rộng khoảng 4m, được làm bằng những thanh sắt cũ kỹ, cong vênh nên người dân trong vùng thường gọi là cầu Sắt xã Gào. Hai bên đầu cầu có cắm biển báo trọng tải 2,5 tấn và đúc các trụ bê tông rất vững chắc để ngăn cản không cho các loại xe lớn đi qua. Tuy vậy, hàng ngày các loại xe cơ giới chạy từ hướng ngã ba đường Nguyễn Văn Cừ - Trần Nhật Duật (tỉnh lộ 664, thuộc phường Ia Kring, TP Pleiku) vẫn đi qua chiếc cầu này, rồi đi sang xã Bầu Cạn (quốc lộ 19B), huyện Chư Prông và ngược lại.

Chị Trần Thị Hương, ở thôn 5, xã Gào bộc bạch: “Cầu sắt xã Gào làm cách đây hơn chục năm rồi. Đến nay nó đã sụp xuống và hư hỏng rất nhiều, nhưng xe tải chở đất đá, sắt thép, xi măng vẫn chạy qua rầm rầm. Mỗi khi gặp xe tải đi tới gần cầu, người đi đường phải dừng lại, tránh xa để chờ xe tải chạy qua cầu, rồi mới tiếp tục lưu thông. Nhiều khi bà con quá bức xúc đã chạy ra hô hoán, ngăn cản không cho xe quá tải quá khổ, quá tải chạy qua cầu thì xe lại chạy tránh xuống dưới suối chân cầu, làm hư hại đường sá, bờ suối, ruộng vườn. Cử tri đã nhiều lần kiến nghị Nhà nước xây dựng lại cầu Sắt cho thật kiên cố mà vẫn chưa được”.

Mới hơn, dài hơn, rộng hơn, trọng tải lớn hơn và kiến cố hơn cầu Sắt xã Gào, nhưng Cầu công viên văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai (nối đường Phan Đình Phùng, TP Pleiku) với tuyến đường chính của xã Ia Dêr, huyện Ia Grai cũng phải thường xuyên chịu đựng sự quá tải của người, vật và các phương tiện qua lại. Cầu này là chiếc cầu treo, dài hơn 114m, rộng khoảng 8m, có trọng tải 8 tấn.

“Cầu treo mới đẹp nên ai cũng muốn đi qua, ngắm cảnh và chụp ảnh làm kỷ niệm. Nhiều khi người, bò, xe tải, xe ca, xe máy... đầy kín trên mặt cầu, làm rung lắc cả cây cầu. Càng ngày, cây cầu này càng rung lắc mạnh hơn vì rất nhiều người, nhiều xe tải lớn chở vật liệu xây dựng đi qua. Có nhiều lần xe tải chạy cả đoàn 5-7 chiếc qua cầu. Những lúc như thế, bà con đi làm nương rẫy đành phải nín thở chạy nhanh qua cầu...”, ông Nguyễn Đức Tánh, ở tổ dân phố 9, phường Diên Hồng, TP Pleiku kể.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Pleiku Trần Xuân Quang cho biết: Ghi nhận những ý kiến của cử tri, lãnh đạo TP Pleiku đã chỉ đạo các địa phương thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm minh tình trạng xe quá tải, quá khổ chạy qua các cầu đường. Bên cạnh đó, lãnh đạo TP Pleiku cũng đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn cử cán bộ xuống ngay cơ sở khảo sát, đánh giá và có kế hoạch sửa chữa các cầu cống hư hại trước mùa mưa lũ để đảm bảo sự giao thông cho bà con, tránh những tai nạn.

Hoàng Cư

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-cau/gia-lai-lo-so-di-qua-cac-cay-cau-o-tp-pleiku-396648.html