Gia Lai: Kè gần 280 tỷ đồng, 7 năm chưa xong, nhiều chỗ đã hư hỏng

Dự án Kè chống sạt lở suối Hội Phú, TP Pleiku (Gia Lai) được phê duyệt từ năm 2013, nhưng đến nay vẫn còn dang dở, gây trở ngại cho người dân qua lại. Đặc biệt nhiều chỗ đã hư hỏng, kém chất lượng.

Nhiều lần gia hạn tiến độ

Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú, TP Pleiku được Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt tại Quyết định số 1070/QĐ-UBND ngày 31/10/2013. Được điều chỉnh theo Quyết định số 495/QĐ-UBND vào tháng 8/2014 và tiếp tục điều chỉnh theo Quyết định số 720/QĐ-UBND ngày 9/9/2014, với tổng chi phí xây lắp 277 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 200 tỷ đồng, địa phương 77 tỷ đồng.

Công trình có tổng chiều dài hơn 1,7km, đi qua địa bàn các phường Hội Phú, Hội Thương, Hoa Lư và Phù Đổng. Điểm đầu của kè giáp đường Nguyễn Trung Trực (đoạn sau chùa Minh Thành) đến đường Nguyễn Lương Bằng (khu đô thị Hoa Lư - Phù Đổng), do UBND TP Pleiku làm chủ đầu tư; Công ty TNHH Xây dựng Thuận Nguyên, Công ty TNHH Trung Kiên và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Thịnh Hoàng chịu trách nhiệm thi công.

Kè chống sạt lở suối Hội Phú, TP.Pleiku (đoạn qua đường Nguyễn Tri Phương)

Kè chống sạt lở suối Hội Phú, TP.Pleiku (đoạn qua đường Nguyễn Tri Phương)

Vào tháng 9/2016, UBND tỉnh Gia Lai lại có Quyết định số 876/QĐ-UBND điều chỉnh dự án. Theo đó, bổ sung kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng hơn 179 tỷ đồng, dự định sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018.

Quy mô của dự án điều chỉnh là xây dựng 5 đập tràn tương ứng 5 hồ nước tạo bậc, cụ thể đập ĐT1 kết hợp cầu dân sinh DS1 (nằm giữa đường Nguyễn Trung Trực và đường Nguyễn Tri Phương); đập ĐT2 kết hợp cầu cơ giới 1 (nằm trên đường Nuyễn Tri Phương); đập ĐT3 kết hợp cầu cơ giới 2 (nằm sát đường Hùng Vương); đập ĐT4 kết hợp cầu dân sinh DS2 (nằm giữa đường Hùng Vương và đường Nguyễn Lương Bằng).

Theo thiết kế, xây dựng kè 2 bên bờ suối có chiều dài tổng cộng 3,6km. Đỉnh kè kết hợp làm đường giao thông với chiều dài 3,6km, bề rộng mặt đường 10,5m, vỉa hè 2x2,5m; Hệ thống thoát nước mưa và nước thải đầu tư hoàn chỉnh bằng cống bê tông cốt thép tròn D75, D100; Hệ thống chiếu sáng chạy dọc đường ven suối.

Dấu hiệu kém chất lượng

Tuy nhiên, đến nay đã gần 7 năm trôi qua, dự án gần 280 tỷ đồng vẫn còn dang dở, nhiều hạng mục chưa hoàn thiện. Đường 2 bên bờ kè ngổn ngang đất đá, nghi vấn dùng đất đào tận dụng không đảm bảo yêu cầu. Nhiều đoạn chưa triển khai kè, trong khi nhiều điểm đã hư hỏng, có dấu hiệu kém chất lượng.

Có mặt tại hiện trường, cảm nhận chung là một khung cảnh nhếch nhác. Cấu kiện bê tông để ghép mái đã cũ kỹ, vứt bừa bãi, như được tận dụng từ một công trình khác. Nhiều tấm đã bị sứt thành, gãy góc, vỡ mặt.

Cấu kiện bê tông để ghép mái đã cũ kỹ, vứt bừa bãi.

Nhiều đoạn do không được lu lèn kỹ nên đã bị xói lở, sụt lún, khiến cấu kiện ghép mái nằm chỏng chơ trên những hòn đá kê

Nhiều đoạn do không được lu lèn kỹ nên đã bị xói lở, sụt lún, khiến cấu kiện ghép mái nằm chỏng chơ trên những hòn đá kê. Bê tông đổ dầm có dấu hiệu thiếu max nên rời rạc. Nhiều chỗ dầm khung ngắn hơn mái kè nên khi bị sụt lún, dầm thấp hơn mặt kè những 20cm. Đặc biệt có dầm đã bị gãy nhiều khúc, có dầm bị nứt thành 1 đường dài. Có chỗ khóa mái kè cũng bị nứt vỡ, miệng cống thoát nước phía ngoài bờ kè, ngay sát cầu Nguyễn Tri Phương bị xói gây sạt lở thành một lỗ lớn.

Trao đổi với PV, ông T.X.T (60 tuổi, trú phường Hội Phú, TP Pleiku) cho biết, từ khi triển khai dự án, tuyến đường Nguyễn Tri Phương dường như bị chia cắt. Họ làm cầu rồi đổ đất đá ngổn ngang không thể qua lại được. Muốn sang phường Hội Thương chỉ còn cách đi vòng, thật bất tiện”.

Để thông tin được khách quan và chính xác, PV đã đến UBND TP Pleiku, đơn vị chủ đầu tư để đăng ký lịch làm việc và ghi lại nội dung cần giải đáp. Từ đó đến nay, PV đã nhiều lần liên lạc để nắm bắt thông tin nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Ngoài ra, cấu kiện bê tông được ghép không thẳng hàng, chỗ khít chỗ hở, bề mặt mái kè ghép không bằng phẳng, chỗ lồi, chỗ lỏm nhìn mất thẩm mỹ

Được biết, chiều ngày 12/8, Chủ tịch UBND TP Pleiku đã ký vào giấy đăng ký làm việc của PV và chuyển cho Ban Quản lý dự án để trao đổi công việc. Tuy nhiên, mãi đến chiều tối ngày 13/8 PV vẫn không liên lạc được với ông Nghĩa (Trưởng ban), còn ông Sơn (Phó ban) thì trả lời chưa nắm được thông tin.

Trước sự im lặng đến khó hiểu của BQLDA, PV đã liên lạc với bà Ngô Thị Xuân Hồng, Chủ tịch UBND phường Hội Phú. Trao đổi với PV, bà Hồng cho biết, công trình kè Hội Phú chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Địa phương cũng rất quan tâm, đã có ý kiến nhiều lên thành phố rồi. Thành phố cũng đang hối thúc để làm cho kịp nếu không sẽ bị cắt vốn.

Một số hình ảnh PV ghi tại hiện trường:

Bê tông đổ dầm có dấu hiệu thiếu max nên rời rạc, quá trình đầm không kỹ khiến dầm bị xốp, thiếu độ kết dính và đông đặc

Bậc tam cấp xuống suối cũng được đổ rất dối, để lộ cả đoạn thép dài.

Khung dầm ngắn hơn mái kè

Dầm bị sụt lún, thấp hơn bề mặt mái kè những 20cm

Dầm đã bị gãy nhiều khúc

Miệng cống thoát nước phía ngoài bờ kè bị xói gây sạt lở thành một lỗ lớn.

Nhiều đoạn chưa triển khai

Từ khi triển khai dự án, người dân qua lại nơi đây hết sức vất vả

Sơn Dương

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/nhip-song/gia-lai-ke-gan-280-ty-dong-7-nam-chua-xong-nhieu-cho-da-hu-hong-261391.html