Gia Lai: Công tác truy vết lây nhiễm COVID-19 phải đi trước

Xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, có thời gian dài, lịch trình dày đặc, vì vậy, tỉnh Gia Lai cần khẩn cấp tăng cường truy vết hết F1, sau đó đến F2, F3 và phải truy vết cho bằng hết; thực hiện trình tự lấy mẫu xét nghiệm hết F1, sau đó mới đến F2, F3. Với tốc độ COVID-19 lây lan nhanh như hiện nay thì công tác truy vết cần phải đi trước.

Các lực lượng chốt chặn kiểm soát dịch bệnh tại khu vực cầu Bến Mộng, thị xã Ayun Pa. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Gia Lai

Các lực lượng chốt chặn kiểm soát dịch bệnh tại khu vực cầu Bến Mộng, thị xã Ayun Pa. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Gia Lai

Thông tin từ Cổng TTĐT tỉnh Gia Lai cho biết chiều 30/1, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã cử đoàn công tác do Thạc sĩ Phạm Ngọc Thanh, Phụ trách Khoa Kiểm soát bệnh tật (Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên) làm Trưởng đoàn đến Gia Lai hỗ trợ phòng-chống dịch.

Làm việc với đoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-419 tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch đã thông báo sơ bộ tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Theo đó, đến 17 giờ ngày 30/1, Gia Lai đã ghi nhận tổng cộng 5 trường hợp có mẫu xét nghiệm dương tính lần 1 với SARS-CoV-2 tại huyện Ia Pa và thị xã Ayun Pa.

Hai ca trước đó được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai xác nhận dương tính lần 1 với COVID-19 vào lúc 23h45’ ngày 29/1, địa chỉ tại thị xã Ayun Pa (công bố ngày 30/1).

Ba trường hợp dương tính lần 1 mới được xác nhận (là người ở thị xã Ayun Pa và xã Ia Trok, huyện Ia Pa) liên quan đến các ca bệnh dương tính trước đó.

Hiện, các trường hợp tiếp xúc gần đang được các cơ quan chức năng phối hợp xác minh, sàng lọc, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

Đối với 3 trường hợp đã có kết quả dương tính lần 1 với SARS-CoV-2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tiến hành lấy mẫu lần 2 và đã gửi mẫu tới Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để xét nghiệm kiểm chứng và khẳng định.

Sở Y tế Gia Lai đã đề nghị tất cả các công dân tiếp xúc gần với các trường hợp trên đến các địa điểm trên phải đến cơ sở y tế gần nhất để khai báo y tế và được tư vấn, theo dõi sức khỏe theo quy định.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị đoàn công tác hỗ trợ Gia Lai trong công tác truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm cũng như có những hướng dẫn cần thiết trong công tác phòng-chống dịch. Hiện nay, năng lực xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai từ 250 đến 300 mẫu/ngày, trong khi đó nhu cầu lấy mẫu xét nghiệm sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ Gia Lai trong công tác lấy mẫu xét nghiệm. Gia Lai là tỉnh đầu tiên trong khu vực Tây Nguyên có dịch lây lan trong cộng đồng, chủng mới, lây lan nhanh, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên rất cần sự hỗ trợ của tuyến trên trong phòng-chống dịch.

Theo đoàn công tác, hiện nay, Gia Lai xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, có thời gian dài, lịch trình dày đặc nên hết sức phức tạp. Vì vậy, tỉnh cần khẩn cấp tăng cường truy vết và huy động thêm lực lượng làm công tác này để truy vết hết F1, sau đó đến F2, F3 và phải truy vết cho bằng hết; thực hiện trình tự lấy mẫu xét nghiệm hết F1, sau đó mới đến F2, F3. Với tốc độ lây lan nhanh như hiện nay thì công tác truy vết cần phải đi trước.

Với việc xuất hiện 3 ca nhiễm mới, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã có Công điện khẩn số 04/CĐ-UBND, trong đó chỉ đạo thực hiện phong tỏa toàn bộ huyện Ia Pa và thị xã Ayun Pa để phòng chống dịch bệnh.

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/gia-lai-cong-tac-truy-vet-lay-nhiem-covid19-phai-di-truoc/421550.vgp