Gia Lai: Chuyện ngược đời công trình xây xong mới… đấu thầu

Công trình có kinh phí 2,1 tỉ đồng bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng thế giới (WB) do Sở Y tế tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư. Thế nhưng công trình được xây dựng và sửa chữa đã hoàn thành nhiều tháng thì Sở này mới bắt đầu đăng thông báo mời thầu.

Công trình cấp nước, nhà vệ sinh tại Trạm y tế xã Ia Glai, huyện Chư Sê đã đưa vào sử dụng.

Công trình cấp nước, nhà vệ sinh tại Trạm y tế xã Ia Glai, huyện Chư Sê đã đưa vào sử dụng.

Có mặt tại công trình Trạm y tế xã Hòa Phú, một trong sáu công trình cấp nước và vệ sinh trạm y tế nằm trong chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn” (huyện Chư Pah), nhận thấy giếng đã được khoan, nhà vệ sinh được sửa chữa, các thiết bị vệ sinh đã được thay mới và chỉ còn chờ để đưa vào sử dụng.

Tương tự, tại Trạm y tế xã Ia Glai (huyện Chư Sê), công trình khu nhà vệ sinh gồm đài nước và mương nước đã được xây mới. Ông Võ Thành Hùng, Trạm trưởng Trạm y tế xã Ia Glai cho biết: “Đây là các hạng mục kiên cố và được xây dựng cách đây nhiều tháng. Giờ chỉ còn chờ để đưa vào sử dụng”.

Trước đó, tháng 5/2018, UBND tỉnh Gia Lai đã ra Quyết định 224/QĐ-UBND giao Sở Y tế làm chủ đầu tư và lên dự toán vốn cho các công trình trên. Điều bất ngờ, khi các công trình này cơ bản đã xây hoàn thành thì ngày 18/1/2019, hồ sơ mời thầu mới được đăng tải trên báo.

Theo đó, bán hồ sơ dự thầu với các công trình trên từ 9h ngày 24/1 đến 13h30 ngày 31/1/2019. Thấy thông tin đấu thầu trên báo, có doanh nghiệp điện thoại hỏi thì được một cán bộ Sở Y tế cho biết: “Việc bán hồ sơ mời thầu chỉ là hợp thức hóa thủ tục, giấy tờ”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Lợi, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính, Sở Y tế Gia Lai cho biết: “Trước đó, ngay sau khi nhận được Quyết định của UBND tỉnh thì Sở Y tế đã có Quyết định ủy quyền lại cho Trung tâm Y tế dự phòng thực hiện. Nhưng đến tháng 9/2018, Sở được biết công trình phải do chính Sở thực hiện, nên Sở đã tiến hành làm thủ tục đấu thầu “theo đúng quy định pháp luật”.

Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Ngay sau khi biết dự án thì tôi đã có văn bản ủy quyền cho Trung tâm Y tế dự phòng thực hiện. Có lẽ anh em ở đây không nắm rõ luật nên nghĩ công trình dưới 5 tỉ có thể chỉ định thầu nên đã “thỏa thuận bằng miệng” với Công ty TNHH MTV Cường Thành thi công rồi quyết toán sau.

Khi đưa 5 bộ hồ sơ lên tôi ký, thấy nhiều nên tôi liên hệ với Sở Xây dựng thì biết phải gom thành một gói để đấu giá. Lúc đó, tôi quay lại hỏi thì biết các công trình đã xây dựng xong hết rồi. Đây cũng là do thỏa thuận miệng chứ thật sự chúng tôi cũng chưa ký một văn bản nào, chưa ứng tiền, “ông thi công” tự bỏ tiền ra làm… Chúng tôi sẽ tiến hành đi kiểm tra, xác định tình hình thi công các công trình”.

Mặc dù ông Hải cho rằng việc làm không đúng ở trên là do cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng chưa “nắm rõ luật”, nhưng ông Hồ Ngọc Gia, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lại cho biết: “Không biết các công trình đã xây dựng như vậy”.

Trong khi các bên đang “đá” trách nhiệm qua lại, ông Nguyễn Ngọc Lợi, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Y tế Gia Lai cho biết: “Công trình đã xây dựng xong nhưng việc đấu giá vẫn được tiến hành. Hiện Sở đã nhận được hồ sơ của 3 đơn vị và đang trong quá trình xét thầu”.

Tuấn Minh- Uyên Thu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dieu-tra-bd/gia-lai-chuyen-nguoc-doi-cong-trinh-xay-xong-moi-dau-thau-440560.html