Gia Lai: Chủ tịch huyện ký, cấp sổ đỏ trên đất lâm nghiệp

Tỉnh Gia Lai nhiều lần họp bàn 'gỡ rối', nhưng chưa thể dứt điểm việc lấy lại đất rừng và tránh xáo trộn cuộc sống người dân sinh sống ổn định trên đất lâm nghiệp

Cấp sổ đỏ trên đất lâm nghiệp

Tại huyện Mang Yang, đất lâm nghiệp được các cán bộ ký cấp sổ đỏ hàng loạt. Thời gian dài, người dân đã sinh sống, canh tác ổn định. Nếu thu hồi rất dễ phát sinh khiếu kiện. Đây là vấn đề làm "đau đầu" lãnh đạo tỉnh Gia Lai.

Tìm hiểu của PV, chiếu theo quyết định 53 (năm 2008) của UBND tỉnh Gia Lai "Phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Gia Lai" thì xã Đắk Djrăng (huyện Mang Yang) có 7 trường hợp được cấp sổ đỏ trên đất lâm nghiệp. Trong đó, 1 trường hợp được cấp sổ đỏ trên 100% đất lâm nghiệp với 3.410m2; 6 trường hợp cấp sổ đỏ trên một phần đất lâm nghiệp (33.547m2 đất lâm nghiệp và 39.919m2 đất nông nghiệp)

Nếu đối chiếu với bản đồ kèm theo Nghị quyết 100 (2017) của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai về việc "Thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030" thì toàn bộ diện tích của 7 trường hợp trên là đất nông nghiệp.

Người dân ở ổn định trên đất Lâm Nghiệp

Tại xã Kon Chiêng và Đê Ar (huyện Mang Yang) theo quyết định 53, có 8 trường hợp được cấp sổ đỏ trên đất lâm nghiệp. Tại xã Kon Chiêng, chính UBND xã và phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) huyện ký tờ trình đề nghị cấp sổ đỏ; vào năm 2008, người ký cấp là ông Nguyễn Như Phi – lúc bấy giờ là Phó chủ tịch huyện (nghỉ hưu khi giữ chức Chủ tịch huyện). Tại xã Đê Ar, năm 2006, ông Võ Văn Vinh - Chủ tịch UBND xã (nay là Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện) ký tờ trình đề nghị cấp sổ đỏ. Sau đó, ông Trần Văn Minh - Trưởng phòng TNMT huyện (nay là Chủ tịch hội Nông dân huyện) ký duyệt danh sách công khai các trường hợp đủ điều kiện cấp, để ông Nguyễn Như Phi - lúc bấy giờ đương chức Phó chủ tịch huyện ký cấp sổ đỏ.

Theo Chủ tịch huyện Mang Yang – Lê Trọng, đối với 7 trường hợp tại xã Kon Chiêng, dù UBND huyện đã có quyết định thu hồi sổ đỏ và toàn bộ diện tích đất đã cấp nhưng trên thực tế người dân đã dựng nhà ở, trồng cây lâu nay. Còn ở xã Đê Ar, người dân đã sản xuất lúa ổn định nhiều năm qua. "Nếu chiếu theo Nghị định 100 của HĐND tỉnh năm 2017 thì 8 trường hợp này không còn nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp", kết luận số 02 (ngày 22/4/2020) của huyện Mang Yang nêu.

Chủ tịch huyện rút kinh nghiệm rồi… về hưu

Theo kết luận ngày 22/4/2020 của UBND huyện Mang Yang, do Chủ tịch huyện Lê Trọng ký, nêu: Đối với việc cấp sổ đỏ trên đất lâm nghiệp tại xã Đắk Djrăng, huyện đã kỷ luật "nghiêm minh các cá nhân vi phạm" đó là cảnh cáo nguyên cán bộ địa chính xã Vũ Đức Quý; khiển trách 6 cán bộ khác gồm: Trần Văn Minh – nguyên Trưởng phòng TNMT, Trần Nam Danh – Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai huyện, Hoàng Hải Quân – chuyên viên phòng TNMT huyện, Trương Văn Biện – Chủ tịch xã Đắk Djrăng và Đinh Gônh – nguyên Chủ tịch xã Đắk Djrăng (thời điểm kỷ luật năm 2014).

Riêng ông Nguyễn Như Phi - Chủ tịch huyện, Hoàng Y Bế - Phó Chủ tịch huyện trực tiếp ký cấp sổ đỏ trên đất lâm nghiệp đã họp "kiểm điểm, rút kinh nghiệm".

Đối với việc cấp sổ đỏ trên đất lâm nghiệp tại xã Kon Chiêng và Đê Ar, theo Chủ tịch huyện Lê Trọng thì có 7 cán bộ liên quan. Tuy nhiên, một người nghỉ hưu, một người thôi việc, 5 cán bộ đương nhiệm nhưng đã thay đổi qua nhiều vị trí công tác nên việc xử lý chưa thực hiện được.

Huyện muốn được "hợp thức hóa"

Để "dễ dàng" và "gọn" cho việc xử lý của huyện, UBND huyện lấy Nghị quyết 100 (năm 2017) đề xuất UBND tỉnh công nhận 44 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trên tiểu khu 501 (xã Đắk Djrăng) để người dân ổn định sản xuất, phát triển kinh tế. Lý do, theo huyện Mang Yang, các trường hợp này vi phạm pháp luật đất đai nhưng xảy ra trước năm 2014. Và nay, phù hợp với Nghị định số 43 (năm 2014) của Chính phủ "Trường hợp lấn, chiếm đất và nay đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp hoặc làm nhà ở và không thuộc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, xây dựng công trình hạ tầng công được thì người đang sử dụng đất được xem xét cấp sổ đỏ…"

Tìm hiểu của PV, để ra quyết định 53 của UBND tỉnh và Nghị quyết 100 của HĐND tỉnh, Gia Lai phải thuê các đơn vị ở Hà Nội vào tiến hành đo đạc với một khoản chi ngân sách khá lớn. Vậy sự chồng chéo giữa hai quyết định này, ai chịu trách nhiệm? Ai sẽ tháo gỡ?

UBND tỉnh Gia Lai muốn phân định rõ đúng, sai.

Nhận kết luận số 20 của huyện Mang Yang, ngày 3/6, Phó chủ tịch tỉnh Đỗ Tiến Đông, có ý kiến bằng văn bản chỉ đạo Sở TNMT chủ trì, phối hợp với Sở NNPTNT, Thanh Tra tỉnh, UBND huyện Mang Yang rà soát lại toàn bộ quá trình xử lý việc cấp sổ đỏ trên đất lâm nghiệp. Đó là, làm rõ tình trạng pháp lý, giao dịch dân sự/ kinh tế (nếu có) liên quan đến quyền sử dụng đất, nhà ở…; đối chiếu, đánh giá từng trường hợp, hồ sơ cấp sổ đỏ so với quy định pháp luật về đất đai quy định về việc cấp sổ đỏ, xử lý việc cấp sổ đỏ có vi phạm, sai phạm qua từng thời kỳ, từng giai đoạn, từng thời điểm trước đây và hiện nay. Dự lường các vấn đề pháp lý và thực tế phát sinh… để tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ việc. Tỉnh này yêu cầu các sở ngành đề xuất xử lý về trước ngày 10/6.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/gia-lai-chu-tich-huyen-ky-cap-so-do-tren-dat-lam-nghiep-d123769.html