Gia Lai: Bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Thời tiết mưa nắng thất thường đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi làm lây truyền bệnh sốt xuất huyết vừa qua, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Gia Lai tăng gấp đôi so với các tháng trước

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện 331 đã điều trị trên 150 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Riêng trong tháng 9 và những ngày đầu tháng 10, số ca nhập viện do sốt xuất huyết tăng nhanh. Số trẻ vào Bệnh viện Nhi điều trị do sốt xuất huyết tăng, tháng 8 Bệnh viện tiếp nhận 52 ca mắc sốt xuất huyết, tháng 9 tăng lên 103 ca. Riêng trong nửa đầu tháng 10 đã ghi nhận trên 50 ca sốt xuất huyết.

Bác sĩ Nguyễn Công Huấn - Trưởng khoa Nội nhi nhiễm cho PV biết: "Thời tiết mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, gia tăng nguy cơ mắc sốt xuất huyết. Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang - thiết bị, thuốc men để thu dung và điều trị người bệnh".

Ảnh minh hoa

Ảnh minh hoa

Theo đó, thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến giữa tháng 10/2020, toàn tỉnh ghi nhận 2.254 ca mắc sốt xuất huyết. Bệnh xảy ra tại 140/220 xã, phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã, thành phố. Chỉ tính riêng trong 2 tuần qua, toàn tỉnh ghi nhận gần 400 ca mắc sốt xuất huyết. Các địa phương trọng điểm về sốt xuất huyết là TP. Pleiku với trên 650 ca mắc, thị xã An Khê trên 200 ca mắc.

Ông Nguyễn Đức Bảy - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Sê chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, Chư Sê ghi nhận trên 50 ca mắc sốt xuất huyết. Dù Chư Sê không phải là điểm nóng về sốt xuất huyết nhưng đơn vị luôn quan tâm triển khai công tác phòng - chống dịch bệnh. Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc giám sát, theo dõi, kịp thời xử lý ngay các ổ bệnh, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy để phòng ngừa sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết là gì? Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, được phát hiện đầu tiên tại Philippines vào năm 1950. Bệnh truyền từ người này sang người khác thông qua vật truyền bệnh là muỗi vằn (khác với bệnh sốt rét do vật trung gian là muỗi đòn xóc). Bệnh biểu hiện bằng tình trạng sốt cao liên tục trong 3-5 ngày, sau đó đột ngột hết sốt và giai đoạn này có biểu hiện xuất huyết ngoài da hoặc nặng hơn là xuất huyết nội tạng (đường tiêu hóa, tiết niệu hay xuất huyết não). Sốt xuất huyết dạng nặng gây chảy máu, giảm huyết áp đột ngột gây trụy mạch và gây tử vong.

Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm, có thể biểu hiện nhiều dạng từ nhẹ giống như nhiễm siêu vi thông thường cho đến nặng gây tử vong.

Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) và phòng chống muỗi đốt bằng cách như sau: Loại bỏ nơi trú ngụ cũng như sinh sản của muỗi. Đậy kín các dụng cụ chứa nước như lu, bể, giếng, chum, vại… để muỗi không có nơi đẻ trứng. Thả cá vào dụng cụ chứa nước để diệt lăng quăng (bọ gậy). Đổ bỏ nước đọng trong các dụng cụ chứa nước không dùng đến, thu gom, hủy bỏ các vật dụng phế thải trong nhà. Vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, ngăn nắp gọn gàng. Mặc quần áo dài tay. Ngủ màn (kể cả ban ngày), rèm che tẩm hóa chất diệt muỗi. Dùng bình xịt muỗi, kem đuổi muỗi, vợt điện diệt muỗi…

Khi sốt xuất huyết bùng phát thành dịch cần tránh đi đến nơi có dịch bệnh, mặc áo dài tay, thoa kem chống muỗi, phối hợp với địa phương phun xịt hóa chất phòng chống dịch. Nếu gia đình có người mắc bệnh cần cho ngủ màn để tránh muỗi đốt lây truyền cho người xung quanh.

LN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/gia-lai-benh-sot-xuat-huyet-dien-bien-phuc-tap-20201019151333634.htm