Giá khí đốt tại châu Âu tăng mạnh khi Gazprom cảnh báo cắt nguồn cung

Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã leo dốc 8% trong tuần qua trước lo ngại Nga dừng hoạt động trung chuyển khí đốt sang châu lục này qua lãnh thổ Ukraine.

Theo báo cáo của hãng dữ liệu tài chính Refinitiv Eikon, đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/11, giá hợp đồng khí đốt giao tháng 12 trên sàn TTF của Hà Lan tăng 1% lên 130 USD/megawatt giờ, còn các hợp đồng giao tháng 1 tăng lên 133,6 USD/megawatt giờ.

Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã leo dốc 8% trong tuần qua. Ảnh: Reuters

Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã leo dốc 8% trong tuần qua. Ảnh: Reuters

Mặc dù đã giảm so với mức cao nhất vào mùa hè do nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) dồi dào giúp lấp đầy kho dự trữ châu Âu, nhưng các chuyên gia cho rằng giá khí đốt ở châu lục này có thể bắt đầu tăng trở lại.

Nhu cầu sưởi ấm khi mùa đông đến gần sẽ tiếp tục đẩy giá khí đốt lên cao và đã khiến các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu bơm khí đốt từ các kho dự trữ. Kho dự trữ ở Italia đã giảm từ 95,4% xuống 93,5% do nước này phải đối mặt với nhu cầu tăng cao vào tháng 11.

Trước đó, hôm 24/11, Ủy ban châu Âu đã áp đặt giới hạn mức tiêu thụ khí đốt trong mùa đông này. Giới chức cũng khuyến cáo các quốc gia nên lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt ít nhất 45% trước ngày 1/2/2023.

Tuy nhiên, các chuyên gia năng lượng cảnh báo rằng tình hình ở châu Âu vẫn còn nhiều thách thức vì nhu cầu tiêu thụ gia tăng nhanh chóng có thể làm cạn kiệt kho dự trữ và khiến thị trường bị gián đoạn nguồn cung.

Đặc biệt, sự bất ổn về dòng chảy khí đốt của Nga sang châu Âu qua lãnh thổ Ukraine là yếu tố sẽ thúc đẩy giá tăng cao hơn.

Trước đó, hôm 22/11, tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom cảnh báo cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên tới Moldova trên đường ống khí đốt thông qua trạm đo Sudzha tại Ukraine từ ngày 28/11.

Gazprom cáo buộc phía Kiev đã giữ lại 52,52 triệu m3 khí đốt mà Nga chuyển cho quốc gia Đông Âu này. Sudzha hiện là trạm duy nhất trung chuyển khí đốt của Nga đến các nước châu Âu qua lãnh thổ Ukraine sau khi các tuyến đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 bị hư hại do một số vụ nổ hồi tháng 9/2022.

Tuy nhiên, cả Moldova và Ukraine đều bác bỏ thông tin do Gazprom cung cấp. Phía Kiev tuyên bố, toàn bộ lượng khí đốt Nga chuyển qua nước này đều được vận chuyển đầy đủ tới Moldova.

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hôm 24/11 cho biết, các bộ trưởng năng lượng EU đã không thống nhất được về mức trần giá khí đốt trong cuộc họp cùng ngày.

EU đã đề xuất áp giá trần khí đốt ở mức 275 euro/MWh. Cơ chế điều tiết thị trường sẽ được tự động kích hoạt khi giá khí đốt vượt quá 275 euro/MWh (286 USD/MWh) trong 2 tuần liên tiếp, và chênh lệch giữa giá khí đốt hợp đồng tương lai tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan và giá LNG toàn cầu ở mức trên 58 euro (59,53 USD) trong 10 ngày giao dịch liên tiếp.

Bộ trưởng Szijjarto nói rằng phần lớn các quốc gia thành viên EU, bao gồm cả Hungary, xem việc áp giá trần là sự can thiệp sai lầm đối với hoạt động của thị trường khí đốt tự nhiên.

Theo kế hoạch, cuộc họp tiếp theo của các bộ trưởng năng lượng sẽ được triệu tập vào ngày 13/12 tới.

Nguyễn Thu

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-khi-dot-tai-chau-au-tang-manh-khi-gazprom-canh-bao-cat-nguon-cung.html