Giá khí đốt cao thúc đẩy doanh nghiệp châu Âu chuyển sản xuất sang Mỹ

Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu bất ngờ mang đến cho nền kinh tế Mỹ một ưu thế: Với giá khí đốt đắt đỏ, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép, phân bón và các nguyên liệu của châu Âu chuyển hoạt động sang Mỹ, nơi có giá năng lượng ổn định hơn và ngành sản xuất được chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ.

Khi giá năng lượng biến động mạnh và những nút thắt dai dẳng trong chuỗi cung ứng đe dọa châu Âu với một số nhà kinh tế cảnh báo khu vực này có thể bước vào kỷ nguyên suy giảm hoạt động công nghiệp, Washington đã công bố một loạt các ưu đãi cho lĩnh vực sản xuất và năng lượng xanh.

Sự tụt giảm khí đốt ảnh hưởng lớn đến sản xuất công nghiệp ở châu Âu – Ảnh WSJ

Sự tụt giảm khí đốt ảnh hưởng lớn đến sản xuất công nghiệp ở châu Âu – Ảnh WSJ

Kết quả là một sân chơi với lợi thế nghiêng về phía Mỹ, đặc biệt là đối với các công ty đặt cược vào các dự án sản xuất hóa chất, pin và các sản phẩm sử dụng nhiều năng lượng khác.

“Quyết định chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ là điều không cần phải suy nghĩ nhiều”, Ahmed El-Hoshy, Giám đốc điều hành Công ty hóa chất OCI, có trụ sở tại Amsterdam (Hà Lan) nói và cho biết trong tháng này, công ty đã công bố kế hoạch mở rộng một nhà máy sản xuất amoniac ở bang Texas.

Các nhà phân tích cho rằng dù đang đối mặt với lạm phát kỷ lục, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và lo ngại suy thoái, kinh tế Mỹ vẫn nổi lên tương đối mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 giữa lúc Trung Quốc tiếp tục thực thi lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19 và châu Âu bị bất ổn vì cuộc xung đột ở Ukraine.

Các khoản chi tiêu mới mà chính phủ Mỹ phân bổ cho lĩnh vực hạ tầng, vi mạch và các dự án năng lượng xanh đã làm tăng sức hấp dẫn kinh doanh tại Mỹ.

Hãng trang sức Pandora của Đan Mạch và nhà sản xuất ô tô Volkswagen của Đức đã công bố kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Mỹ vào đầu năm nay.

Tuần trước, The Wall Street Journal đưa tin hãng xe điện Tesla đang tạm dừng kế hoạch sản xuất pin ở Đức khi cân nhắc xem liệu công ty có đủ điều kiện nhận các khoản tín dụng thuế theo Đạo luật giảm lạm phát, được Tổng thống Joe Biden ký
ban hành hồi tháng 8, hay không.

Các nhà phân tích và nhà đầu tư cho biết châu Âu vẫn là một thị trường đáng mơ ước đối với các ngành sản xuất tiên tiến và đang sở hữu một lực lượng lao động công nghiệp lành nghề. Nhờ nhu cầu dồn nén từ đại dịch Covid-19, nhiều công ty đã có thể chuyển chi phí năng lượng tăng thêm sang khách hàng. Câu hỏi đặt ra là giá khí đốt
cao ở khu vực này sẽ kéo dài trong bao lâu.

Một số nhà kinh tế cảnh báo các nhà sản xuất khí đốt từ Canada, Mỹ cho đến Qatar có thể gặp khó khăn trong việc thay thế hoàn toàn nguồn cung từ Nga để trở thành nhà cung cấp chính cho châu Âu trong trung hạn. Nếu như vậy, châu Âu có thể phải đối mặt với giá khí đốt cao ít nhất cho đến năm 2024. Điều này đe dọa gây tổn thương lâu dài đối với lĩnh vực sản xuất của khu vực.

Stefan Borgas, Giám đốc điều hành Công ty RHI Magnesita (Áo), nói: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ trải qua tình trạng bất ổn trong hai mùa đông”. Ông cho biết thêm nếu châu Âu không thể tìm thấy khí đốt rẻ hơn hoặc tăng công suất năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu chuyển sản xuất sang những nơi khác.

RHI Magnesita, công ty chuyển sản xuất vật liệu chịu nhiệt độ cao được sử dụng bởi các khách hàng như nhà máy thép, đang chi khoảng 8 triệu euro cho các nhà máy ở châu Âu để thay thế khí đốt bằng than hoặc dầu ở một số quy trình sản xuất.

Công ty cũng đang lưu trữ khí đốt trong một kho trữ dưới lòng đất trước đây thuộc sở
hữu của Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga nhưng giờ đây đã bị chính phủ Áo tịch thu.

Ông Borgas lạc quan về nhu cầu thép ở Mỹ, nơi các chính sách ưu đãi đang thúc đẩy năng lượng xanh. Các nhà sản xuất như RHI Magnesita coi hydrogen là chìa khóa để thay thế nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải nhà máy trên khắp châu Âu, Mỹ và các nơi khác. Việc Washington cam kết chi tiêu cho những dự án như vậy dự kiến sẽ thúc đẩy sản xuất hydrogen và rốt cục giúp giảm giá thành của nhiên liệu sạch này.

Tập đoàn thép ArcelorMittal của Luxembourg, thông báo sẽ cắt giảm sản lượng tại hai nhà máy ở Đức, trong khi đầu tư đầu tư gần 1 tỉ đô la vào một cơ sở sản xuất sắt đóng bánh nóng ở bang Texas vào hồi đầu năm nay. Ảnh: WSJ

Trong tháng này, Tập đoàn thép ArcelorMittal, có trụ sở tại Luxembourg, thông báo sẽ cắt giảm sản lượng tại hai nhà máy ở Đức. Tập đoàn ghi nhận kết quả kinh doanh tốt hơn mong đợi trong năm nay nhờ khoản đầu tư gần 1 tỉ đô la vào một cơ sở sản xuất sắt đóng bánh nóng (hot briquetted iron), một nguyên liệu thô để sản xuất thép, ở bang Texas vào hồi đầu năm nay.

Nhiều công ty vẫn thận trọng với việc thay đổi chiến lược vì nhận thấy việc xây dựng các dự án như lò luyện nhôm ở Mỹ có thể tốn hàng tỉ đô la và mất nhiều năm để hoàn thành.

Người phát ngôn của BASF, tập đoàn hóa chất khổng lồ của Đức, một trong những khách hàng mua khí đốt lớn nhất châu Âu, cho biết: “Chúng tôi vẫn còn xem xét đây sẽ là một sự thay đổi cấu trúc hay chỉ là mang tính tạm thời”.

Công ty hóa chất OCI đã cắt giảm sản lượng amoniac ở các nhà máy châu Âu, thay vào đó, tăng cường nhập khẩu amoniac tại cảng Rotterdam của Hà Lan. Để tạo điều kiện thuận lợi cho những chuyến hàng nhập khẩu như vậy, OCI đang mở rộng nhà máy sản xuất amoniac ở Beaumont, bang Texas với khoản đầu tư trị giá “hàng trăm triệu đô la”, theo El-Hoshy, giám đốc điều hành của công ty.

Tại nhà máy mới ở Mỹ, OCI sẽ sản xuất amoniac từ hydrogen có nguồn gốc từ khí đốt và sau đó thu giữ carbon do quá trình này tạo ra. El-Hoshy cho biết Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ làm quy trình này trở nên hấp dẫn hơn bằng cách cung cấp các khoản tín dụng thuế để lưu trữ khí thải carbon.

Svein Tore Holsether, Giám đốc điều hành Tập đoàn phân bón Yara International (Na Uy), cảnh báo các nhà sản xuất châu Âu có thể gặp khó khăn để duy trì cạnh tranh với chi phí năng lượng đắt đỏ hoặc với những chính sách ưu đãi năng lượng xanh mà chính phủ Mỹ đang cung cấp. Ông nói: “Do vậy, một số ngành công nghiệp có thể sẽ chuyển đến hoạt động ở nơi khác vĩnh viễn”.

Theo WSJ

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gia-khi-dot-cao-thuc-day-doanh-nghiep-chau-au-chuyen-san-xuat-sang-my/