Giá heo tăng, ngành chăn nuôi lo hơn mừng

Hiện tại giá heo hơi trong nước đang đạt mức cao nhất từ trước đến nay và cao nhất thị trường Đông Nam Á. Tuy nhiên, đại diện Cục Chăn nuôi và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) cho rằng thực trạng này đáng lo hơn mừng và đã chỉ đạo khẩn cấp việc giảm giá heo hơi trên cả nước.

Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ giải pháp phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi. (Ảnh: Kim Ngọc).

Nỗi lo cung vượt cầu khi giá heo hơi đạt đỉnh

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi heo cả nước cho biết, với việc giá heo hơi tăng đột biến, lượng đàn heo tại địa phương này cũng tăng nhanh đáng kể. Từ tháng 4/2018 đến hết tháng 9/2018 tổng lượng đàn heo Đồng Nai đã tăng 200.000 con (từ 2,3 triệu con tháng 4/2018 lên 2,5 triệu con tháng 9/2018).

“Doanh nghiệp và các hộ dân cần thận trọng việc tăng đàn. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ khiến lặp lại tình trạng cung vượt cầu, lúc đó người dân sẽ lại khốn đốn như trước đây” - ông Đoán đưa ra cảnh báo.

Theo đại diện Cục Chăn nuôi, hiện nay giá heo hơi Việt Nam đang đạt kỷ lục khi luôn dao động trên 50.000 đồng/kg, thậm chí có giai đoạn gần 60.000 đồng/kg. Thực tế, việc giá heo hơi đội lên cao như hiện nay đã kéo theo giá thịt heo tại các chợ và siêu thị cũng tăng đột biến.

Chia sẻ của tiểu thương tại chợ Thủ Đức, giá heo mảnh bình thường khoảng 50.000-60.000 đồng/kg nay lên 72.000-73.000 đồng/kg, giá bán lẻ các loại như sườn non 150.000-160.000 đồng/kg, ba rọi 110.000 đồng/kg, thịt đùi 100.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, giá heo tăng cao như hiện tại là đáng mừng cho các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, thực trạng này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo.

“Giá cao như hiện nay sẽ tạo nguy cơ kích thích sản xuất, người chăn nuôi sẽ ồ ạt tăng đàn. Nguy cơ tuồn hàng lậu từ các nước vào Việt Nam tăng cao. Việc nhập lậu này lại kéo theo nguy cơ dịch bệnh tràn vào Việt Nam mà khả năng phòng chống của chăn nuôi Việt Nam hiện nay rất hạn chế” - ông Dương lo ngại.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ lo ngại về tình hình tăng đàn liên tục trên địa bàn. (Ảnh: Kim Ngọc).

Bộ trưởng chỉ đạo giảm giá trên cả nước

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nếu không kiềm chế giá thịt heo hiện nay ở mức hợp lý, ngành chăn nuôi sẽ đánh mất thị trường. Giá bán do thị trường quyết định nhưng vấn đề ở đây là làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa các thành tố trong chuỗi gồm: Người tiêu dùng, người chăn nuôi, doanh nghiệp, nhất là giữ được thị trường phát triển lâu dài và bền vững.

Trước những lo ngại về thực trạng tăng giá và kéo theo tăng đàn heo hơi khó kiểm soát như hiện tại, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã làm việc với 12 doanh nghiệp lớn của ngành để tiến hành giảm giá thịt heo và bình ổn thị trường.

Theo chia sẻ của đại diện Cục Chăn nuôi, sau hơn một tuần thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, thị trường cả nước đã có những dấu hiệu giảm nhẹ. Cụ thể, các doanh nghiệp miền Bắc đã giảm từ 1.000-1.500 đồng/kg; các doanh nghiệp miền Trung giảm 1.000 đồng/kg và các doanh nghiệp miền Nam đang bắt đầu giảm từ 500 đồng/kg và sẽ tiếp tục giảm.

“Phải để giá heo hơi xuống dưới 50.000 dồng/kg thì mới mong phát triển bền vững. Trước tiên sẽ tiến hành giảm giá tại các doanh nghiệp lớn, sau đó các doanh nghiệp nhỏ và tiểu thương sẽ học theo” - ông Dương chia sẻ.

Ông Dương cũng nói rằng ngành chăn nuôi và thương mại trong nước có thể kéo giá heo xuống và không bị ảnh hưởng bởi thị trường bên ngoài, bởi hiện nay lượng thịt heo nhập khẩu chỉ khoảng 4.000 tấn so với lượng cung trong nước 3 triệu tấn.

Giá heo hơi hiện tăng kỷ lục chạm mốc gần 60.000 đồng/kg.

Hướng phát triển bền vững

Đại diện Cục Chăn nuôi nhận định, trước những biến động bất ổn liên tục về cung cầu cần phải tổ chức ngành chăn nuôi theo chuỗi liên kết, nơi đó có người chăn nuôi, khâu giết mổ, chế biến và kết nối thị trường chia sẻ trách nhiệm tạo ra bền vững về chất lượng, an toàn thực phẩm truy xuất nguồn gốc nhằm giúp cân đối cung cầu.

Ông Dương cũng nói rằng ngành chăn nuôi cần chủ động kiểm soát và ngăn ngừa các loại dịch bệnh, nhất là dịch tả heo châu Phi hiện nay nguy cơ lây lan rất cao. Hiện 7 tỉnh Trung Quốc sát biên giới Việt Nam đã bị lây nhiễm.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, hiện việc kiểm soát chi phí nguyên liệu đầu vào của chăn nuôi Việt Nam còn yếu kém, khiến gia tăng chi phí chăn nuôi, gây khó cho các hộ dân. Ngành chăn nuôi phải nhập khẩu 70% lượng thức ăn từ nước ngoài và phụ thuộc giá cả vào các thị trường này. Đồng thời Chính phủ lại không có chính sách bình ổn giá thức ăn như một số quốc gia lân cận dẫn đến thực trạng giá heo tăng là giá thức ăn cũng tăng vọt chóng mặt. Vì thế, ông Đoán khuyến nghị, cần có một mức giá trần cho thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam để không bị ảnh hưởng bởi thị trường và tác động không tốt đến doanh nghiệp, hộ dân chăn nuôi.

Các chuyên gia đầu ngành khuyến nghị, nông dân không nên chạy theo lợi nhuận trước mắt, gia tăng đàn, sử dụng các chất tăng trưởng, chất cấm... mà phải tìm hiểu rõ quy luật cung cầu, nhu cầu và giá trị sản phẩm đối với thị trường ở từng thời điểm để chăn nuôi cho hiệu quả và hợp lý.

Nhiều doanh nghiệp đã tiến hành giảm giá thịt heo theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT.

Kim Ngọc

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/gia-heo-tang-nganh-chan-nuoi-lo-hon-mung-d71068.html