Giá hàng hóa tăng cao, Trung Quốc tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp

Trung Quốc ngày càng lo lắng về việc giá hàng hóa tăng cao sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh của các doanh nghiệp.

Giá hàng hóa toàn cầu tăng cao đang tạo thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc. Trong một dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và các nhà lãnh đạo khác đã nhấn mạnh tại cuộc họp hôm 26.5 rằng họ sẽ tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân trong vấn đề tài chính, và đối phó với sự tăng giá của nguyên liệu thô .

Nếu các doanh nghiệp bán cho người tiêu dùng ở mức giá ổn định để duy trì tính cạnh tranh, thì việc tăng giá hàng hóa sẽ cắt giảm tỉ suất lợi nhuận của họ. Ngày 27.5, Cơ quan thống kê của Trung Quốc cho biết tăng trưởng lợi nhuận công nghiệp đã chậm lại, đạt mức tăng 57% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 4, giảm so với mức 92,3% trong tháng 3. Mặc dù những con số này bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm của nền kinh tế trong quý đầu tiên của năm 2020, nhưng cơ quan này vẫn lưu ý tác động tiêu cực của việc giá hàng hóa tăng cùng với các yếu tố khác.

Chi phí nguyên vật liệu được đo lường theo chỉ số giá sản xuất đã tăng 6,8% so với một năm trước vào tháng 4, tốc độ nhanh nhất trong hơn ba năm. Nhưng giá tiêu dùng chỉ tăng 0,9% do giá thịt lợn giảm.

“Khoảng cách ngày càng lớn giữa giá sản xuất và giá tiêu dùng đã làm giảm đáng kể lợi nhuận của các nhà sản xuất và họ chỉ có thể duy trì hoạt động bình thường bằng cách giảm các chi phí khác”, ông Gu Shuangfei, Nhà phân tích Hàng hóa tại Nanhua Futures cho biết.

Các nhà chức trách Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố trong vài tháng qua rằng áp lực về việc làm vẫn ở mức cao, bất chấp sự phục hồi của nền kinh tế nói chung sau đại dịch. Cuộc họp của Hội đồng Nhà nước tuần này cho biết các biện pháp giúp các doanh nghiệp nhỏ đối phó với giá hàng hóa tăng cao bao gồm trợ cấp việc làm cho địa phương.

Khi giá hàng hóa tăng và hoạt động kinh tế tăng lên, một số doanh nghiệp đang vay thêm vốn để hỗ trợ tăng trưởng trong tương lai.

Sheng Ye Capital, một công ty fintech của Trung Quốc giúp các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận nguồn vốn trong môi trường bị chi phối bởi các ngân hàng quốc doanh, đã chứng kiến “nhu cầu rất mạnh do giá sản xuất tăng”.

Ông Kenny Ng, Trưởng bộ phận Quan hệ nhà đầu tư của Sheng Ye Capital kỳ vọng nhu cầu vay sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Nhiều khách hàng của công ty hoạt động trong các dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng như cầu và đường thu phí, ông nói. Ông Kenny Ng cho biết, các khoản vay cho khách hàng mới có thể được xử lý nhanh nhất trong vòng hai tuần, với quy mô trung bình khoảng 2 triệu nhân dân tệ, tương đương khoảng 312.000 USD.

Giá các mặt hàng như đồng và quặng sắt đã tăng lên mức cao kỷ lục trong năm nay, mỗi loại đều tăng hơn 20% trong năm cho đến nay. Các nhà phân tích cho rằng phần lớn sự gia tăng là do kỳ vọng của các nhà đầu tư về nhu cầu ngày càng tăng đối với nguyên liệu thô, khi hoạt động kinh doanh tiếp tục trở lại và chính quyền địa phương duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng hơn để hỗ trợ tăng trưởng.

Chính sách tiền tệ của Trung Quốc đã tương đối thận trọng hơn. Nhưng quốc gia này là nước tiêu thụ đồng và các mặt hàng khác lớn nhất thế giới, và nhu cầu từ Trung Quốc ảnh hưởng đến giá cả trên toàn cầu. Đất nước này cũng là nơi có các sàn giao dịch lớn để giao dịch hàng hóa tương lai.

Nhà kinh tế Robin Xing của Morgan Stanley cho biết “Giá hàng hóa đang tách rời khỏi các yếu tố cơ bản, tạo ra rủi ro giảm giá trong nửa cuối năm”.

Họ kỳ vọng chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc sẽ đạt mức cao nhất trong năm trong quý II, nhưng tác động hạn chế đến giá tiêu dùng. Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết, sự siết chặt về tỉ suất lợi nhuận có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, trước khi giảm bớt vào nửa cuối năm nay. Họ kỳ vọng nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ sẽ giúp hỗ trợ lợi nhuận.

Nguồn Theo CNBC

Kim Anh

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/the-gioi/gia-hang-hoa-tang-cao-trung-quoc-tim-cach-ho-tro-doanh-nghiep-3340662/