Giá hai bên thỏa thuận nên khó chứng minh

Nhà nước quy định là 2 triệu đồng/m2 thì họ thỏa thuận giá mua là 2,1 triệu đồng, thậm chí là 2 triệu đồng/m2 trong khi họ mua bán thực tế là 6 triệu đồng/m2'.

Ai mua bán nhà, đất cũng ghi giá thấp có sao đâu

Tôi đi kiện hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất đã ký vì hợp đồng này ghi không đúng giá thực tế mua bán. Tôi thừa nhận đó là hành vi gian dối làm thất thoát tiền thuế của Nhà nước. Tuy nhiên, bản chất việc đi kiện của tôi là vì bên mua không thực hiện cam kết thỏa thuận về đo vẽ, phân chia, cắm ranh đất như đã thỏa thuận.

Ai mua bán nhà, đất cũng ghi giá thấp có sao đâu, tôi đi tư vấn cũng nghe nói vậy. Nếu sự việc suôn sẻ thì đâu có chuyện gì xảy ra vì tôi đã giao hết giấy tờ nhà, đất cho bên mua giữ để ra giấy rồi. Nếu họ làm đúng thì tôi đâu có kiện ra tòa để nói rằng mình trốn thuế. Tôi trốn thuế nhưng đã tự thú, tự thấy lỗi của mình là có làm sai với Nhà nước. Tôi muốn sửa sai bằng cách yêu cầu hủy hợp đồng theo pháp luật. Tôi cho rằng pháp luật cũng nên xem xét trường hợp trốn thuế của tôi vì “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”.

ĐTH (TP.HCM)

Ai vi phạm thuế thì phạt người đó

Giá chuyển nhượng thực tế là 7,8 tỉ đồng nhưng bên bán đề nghị tôi ghi thấp xuống còn 1,2 tỉ đồng để họ nộp thuế TNCN ít lại. Tôi thấy ghi vậy tôi cũng không có bị thiệt hại gì. Bởi lẽ tôi chỉ nộp lệ phí trước bạ 0,5% theo giá của Nhà nước nên không bị ảnh hưởng giá ghi trong hợp đồng. Trốn thuế là do bên bán trốn chứ tôi không liên quan và tôi đã làm đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Ngoài ra, tôi cũng không vi phạm thỏa thuận với bên bán. Ai vi phạm thuế thì phạt người đó chứ đừng vì lý do này mà đi hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất mà tôi đã được công chứng.

Người mua nhà, đất của bà ĐTH (TP.HCM)

Chuyển hồ sơ qua công an điều tra trốn thuế

Hiện nay việc các cá nhân, tổ chức tìm cách né nghĩa vụ thuế với Nhà nước trở thành hiện tượng phổ biến. Điều đáng nói là hành vi này nếu bị phát hiện thì có thể bị khởi tố hình sự chứ không phải chỉ xử phạt hành chính và truy thu thuế. Như vậy, cái sợ lớn nhất của người trốn thuế không hẳn là số tiền bị phạt mà là họ sẽ đối diện với án tù.

Tội trốn thuế mà cụ thể là hành vi khai báo gian dối của người nộp thuế trong việc kê khai thuế không thật để không phải đóng thuế hoặc đóng mức thuế thấp hơn nhiều so với mức phải đóng có mức hình phạt nghiêm khắc nhất là bảy năm tù và phạt tiền gấp ba lần số tiền trốn thuế. Hậu quả của việc trốn thuế là nó xâm phạm quy định của pháp luật của Nhà nước về thuế, làm suy giảm ngân sách, thất thu thuế.

Cần lưu ý là hành vi khai gian dối giá mua bán nhà, đất để đóng thuế thấp hơn nhiều so với mức phải đóng với số tiền trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên hoặc người vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế… thì có dấu hiệu của tội trốn thuế.

Theo tôi, đối với trường hợp người khởi kiện tự khai trốn thuế với số tiền trốn thuế hơn 100 triệu đồng, TAND huyện Bình Chánh không nên đơn thuần xem xét hủy hợp đồng chuyển nhượng theo yêu cầu của người khởi kiện vì có lý do gian dối thuế. Tòa này nên chuyển hồ sơ cho công an xác minh, điều tra xem có đủ yếu tố cấu thành tội trốn thuế hay không để có hình thức xử lý phù hợp.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM

Chỉ công chứng nội dung hợp đồng

Theo các điều 17, 40 Luật Công chứng quy định quyền và nghĩa vụ của CCV thì CCV có nghĩa vụ giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng… Nếu trong dự thảo hợp đồng, giao dịch có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng, giao dịch không phù hợp với quy định của pháp luật thì CCV phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa. Trường hợp người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì CCV có quyền từ chối công chứng.

Như vậy, khi CCV chứng vào hợp đồng lời chứng của mình thì CCV đó chịu trách nhiệm về tính pháp lý, hợp pháp, đúng pháp luật của giao dịch này. Còn việc thỏa thuận mua bán giá cả ra sao, thanh toán thế nào… là do hai bên tự thỏa thuận. Bản thân CCV cũng muốn hai bên giao dịch giá thật khi mua bán nhà, đất để tránh rủi ro (nếu có) về sau và thu được phí cao khi công chứng hồ sơ. Tuy nhiên, CCV chỉ có thể tư vấn cho họ, còn thỏa thuận giá cả ra sao thì do hai bên mua bán quyết định.

Một công chứng viên tại TP.HCM

KIM PHỤNG ghi

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/gia-hai-ben-thoa-thuan-nen-kho-chung-minh-784854.html