Giá giường bệnh 4 triệu đồng/ngày ngang khách sạn hạng sang: Lý giải bất ngờ từ bộ Y tế

Mức giá giường bệnh tối đa trong dự thảo thông tư mới có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày đã gây ra nhiều ý kiến tranh cãi cho rằng ngang hàng với giá khách sạn hạng sang. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng vụ kế hoạch tài chính (bộ Y tế) đã đưa ra những lý giải cụ thể.

Mỗi năm có 40-50.000 người đi chữa bệnh ở nước ngoài

Tại Hội nghị cung cấp thông tin báo chí ngày 12/8 của bộ Y tế, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng vụ Kế hoạch tài chính, bộ Y tế cho biết: “Liên quan đến việc ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập. Thông tư này là hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh chữa bệnh theo nhu cầu của cơ sở y tế công lập chứ không phải quy định mức giá cụ thể”.

Xem video: Ông Nguyễn Nam Liên thông tin về giá giường bệnh

Về giá dịch vụ y tế, ông Nguyễn Nam Liên cho biết hiện nay chúng ta chưa tính đúng, tính đủ giá, kể cả nhân lực tính vào giá dịch vụ y tế chúng ta cũng chưa thực hiện được chăm sóc toàn diện. Hơn nữa, bệnh viện 1000 giường thì có 5-7.000 cán bộ để chăm sóc toàn diện, nhưng chúng ta nhân lực hiện nay chỉ được khoảng 1.200 – 1.500 người nên chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc toàn diện.

“Vì vậy, trong Nghị quyết 20 đưa ra phải có lộ trình để chăm sóc người bệnh toàn diện, để người nhà người bệnh không phải chăm sóc, mà toàn bộ chăm sóc phải do cán bộ y tế đảm bảo, người nhà chỉ đến thăm, động viên thôi. Điều này thực hiện rất khó, đòi hỏi lộ trình rất dài, cho nên trước mắt BHYT và kết cấu tiền lương hiện nay thì giá dịch vụ y tế chưa đáp ứng được yêu cầu nguồn và tuyển dụng y tế theo yêu cầu.

Chúng ta vẫn phải thực hiện yêu cầu như hiện nay và đang thực hiện việc tinh giản biên chế, rất nhiều đơn vị chưa có chỉ tiêu để tuyển dụng nên chăm sóc ban đầu phải theo lộ trình. Trước mắt, dịch vụ cao cấp phải thực hiện chăm sóc toàn diện để đáp ứng nhu cầu của đối tượng có khả năng chi trả”, ông Nam Liên nói.

Theo ông Nam Liên, các bệnh viện công của ngành Y tế có chuyên môn rất tốt, có nhiều bác sĩ có tay nghề cao, được mời ra nước ngoài khám chữa bệnh. Thời gian qua, có nhiều người dân Việt Nam đi khám chữa bệnh ở nước ngoài, nếu có cơ chế tốt thì các bác sĩ cũng sẽ không ra nước ngoài khám bệnh và người dân cũng không phải ra nước ngoài chữa bệnh.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Nam Liên nêu thực tế, các bệnh viện tư có cơ sở vật chất tốt nhưng chuyên môn cũng hạn chế. Nhiều bệnh nhân có điều kiện, muốn được chăm sóc ở các bệnh viện “khách sạn”, điều này không hiếm tại Việt Nam. Nhưng, đồng thời họ cũng mời các chuyên gia, bác sĩ từ bệnh viện công ra chữa bệnh, đây là hiện tượng phổ biến và cũng là cách mà các bệnh viện công để lãng phí nhân tài.

Ông Nguyễn Nam Liên chia sẻ về Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập.

Ông Nguyễn Nam Liên chia sẻ về Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập.

Ông Liên cho rằng, các bệnh viện công hoàn toàn có đủ điều kiện để xây dựng các khu bệnh viện khách sạn phục vụ người bệnh có nhu cầu.

Ông Liên cũng chỉ ra, mỗi năm những người có điều kiện vẫn sang nước ngoài để khám chữa bệnh. Mỗi năm có 40-50.000 người đi chữa bệnh ở nước ngoài, chi phí hơn 2 tỷ USD.

“Hiện nước ta có khoảng hơn 300-500.000 người nước ngoài làm việc ở Việt Nam lương rất cao và cũng tham gia bảo hiểm quốc tế. Nếu có khu vực dịch vụ chất lượng cao, lúc cần khám bệnh thì họ không phải về nước hoặc đi các nước khác, vì vậy, chúng ta còn thu hút ngoại tệ từ các đối tượng này. Đây cũng là mục tiêu bộ Y tế xây dựng cơ chế chính sách này”, ông Liên cho hay.

Ông Liên cũng cho biết, giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng với người có nhu cầu và tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập. Mục đích của thông tư hướng dẫn ban hành giá là ban hành khung chứ không phải là quy định chi tiết giá.

Giá giường bệnh ngang khách sạn hạng sang

Tại dự thảo Thông tư về giá giường bệnh tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày, áp dụng cho bệnh viện hạng đặc biệt, 1 giường/phòng. Điều này, đã gây ra nhiều luồng ý kiến tranh luận, nhiều người cho rằng giường bệnh đắt ngang hàng với khách sạn hạng sang.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Nam Liên bày tỏ: “Thông tư có quy định mức giá tối đa là 4 triệu đồng đối loại 1 giường/1 phòng. Giường điều trị có hàng chục loại nên không phải cứ 1 giường/1 phòng là được thu 4 triệu đồng mà các bệnh viện phải xây dựng, quyết định giá cho từng loại giường như: Hồi sức tích cực, giường sau các phẫu thuật loại đặc biệt, loại I... hay giường điều trị nội khoa… Chi phí các vật tư chăm sóc người bệnh cũng phải tính theo từng loại giường. Tiền lương phải tính theo trình độ bác sĩ điều trị và mức độ chăm sóc của điều dưỡng. Người bệnh nặng phải luôn có 1 điều dưỡng chăm sóc 24/24 giờ, người nhà không phải chăm sóc thì giá khác với giường cũng chăm sóc 24/24 giờ nhưng 1 điều dưỡng có thể phục vụ 2-3 hoặc 4 giường…

Vì thế, giá giường bệnh 4 triệu/giường không phải áp dụng hết cho tất cả các loại giường mà phải triển khai phù hợp với thực tế của đơn vị mình”.

Giá giường bệnh 4 triệu/ngày phải đảm bảo nhiều yếu tố (Ảnh minh họa).

Ông Liên cho biết, các bệnh viện thường tính 600- 1 triệu đồng/giường cho những giường bệnh nặng. Có người bệnh còn đòi hỏi có điều dưỡng chăm sóc 24/24 giờ, điều kiện phòng ốc đầy đủ các dịch vụ tiện nghi, thậm chí sang trọng không chỉ phòng bệnh mà có cả khu nấu ăn, tiếp khách... giá 4 triệu thực sự phải như thế để những đối tượng có nhu cầu ra nước ngoài chữa bệnh sẽ không phải đi đâu.

“Các bệnh viện có thể áp dụng loại giường 4 triệu nhưng phải đảm bảo có phòng ốc, phải tính toán chi phí cụ thể”, ông Liên cho hay.

Về ý kiến nhiều người so sánh giá giường bệnh hơn cả khách sạn hạng sang, lý giải điều này, ông Liên cho rằng so sánh như vậy là khập khiễng: “Khách sạn chỉ ở thời gian ngắn, chủ yếu tối về ngủ, còn ban ngày đi công tác, đi du lịch. Nhưng giường bệnh viện là nằm 24/24h, phải có người chăm sóc, ăn uống, bệnh lý. Giường 4 triệu đặc biệt và chỉ áp dụng cho một số bệnh viện có điều kiện xây dựng giường này. Thậm chí, với giá này còn có cả giường nằm cho người nhà, phòng tiếp khách trong phòng”.

Lo ngại giường phục vụ người bệnh khó khăn bị bó hẹp

Trả lời câu hỏi của PV về tiêu chuẩn dành cho phòng dịch vụ cao cấp và Bộ có lo ngại tại các bệnh viện công, lo ngại phòng dịch vụ được “ưu ái” tăng cường trong khi giường phục vụ số đông người bệnh còn khó khăn thì bị bó hẹp, bỏ bê?, ông Nguyễn Nam Liên nhấn mạnh: “Thông tư đã hướng dẫn kỹ, các đơn vị có dịch vụ theo yêu cầu phải xây dựng giá của dịch vụ này theo hướng dẫn của dự thảo thông tư. Giá này bao gồm chi phí vật tư, hóa chất, các công cụ để phục vụ cho điều trị người bệnh như găng tay, quần áo...”.

Nhiều ý kiến lo ngại nếu khám bệnh dịch vụ nhiều bệnh viện sẽ không quan tâm đến KCB BHYT, ông Nam Liên nêu: "Hiện nay gần 90% dân số tham gia BHYT mà rất nhiều bệnh viện hiện nay, nguồn thu từ BHYT chiếm đến 80-90%, thậm chí 95% nguồn thu của bệnh viện.

Vậy nên, nếu bệnh viện không nâng cao chất lượng, không tập trung nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực để KCB BHYT thì người dân không đăng ký, không đến KCB nữa, theo đó, bệnh viện không có nguồn thu để hoạt động. Đó là điều rất nguy hiểm.

Hoạt động dịch vụ theo yêu cầu chỉ là một tỷ lệ nhất định. Tỉ lệ này có đơn vị thì cao, đơn vị thì thấp nhưng tựu trung tất cả bệnh viện đều phải quan tâm nâng cao chất lượng KCB BHYT để làm sao có nguồn thu ổn định”.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/gia-giuong-benh-4-trieu-dongngay-ngang-khach-san-hang-sang-ly-giai-bat-ngo-tu-bo-y-te-a445333.html