Giá gia cầm giảm mạnh

Thị trường tiêu thụ chậm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, mấy ngày gần đây, giá các loại gia cầm và trứng gia cầm tiếp tục giảm mạnh từ trang trại đến chợ dân sinh. Nhiều giải pháp đã và đang được triển khai nhằm hỗ trợ người nông dân.

Giá gia cầm bán tại trang trại đang giảm mạnh.

Giá giảm từ trang trại...

Thời điểm hiện tại, nhiều hộ chăn nuôi gia cầm và nuôi gà đẻ trứng như “ngồi trên đống lửa” vì giá liên tục giảm và thị trường tiêu thụ chậm.

Trại chăn nuôi của ông Nguyễn Duy Toản ở xã Viên An (huyện Ứng Hòa) hiện có 50.000 gà đẻ, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường 40.000 quả trứng và chủ yếu là bán buôn cho các thương lái. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số đầu mối đã dừng thu mua nên việc tiêu thụ trứng gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Duy Toản cho biết: "Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, giá trứng gà đỏ bán tại chuồng chỉ còn 900-1.000 đồng/quả, trong khi giá thành sản xuất là 1.500 đồng/quả. Nếu kéo dài tình trạng này, chúng tôi sẽ phải tính đến bài toán bán phá đàn".

Các hộ chăn nuôi gia cầm cũng gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) cho biết: Hội có 30 thành viên, mỗi hộ nuôi 1.000-5.000 con. Thời gian gần đây, giá gia cầm giảm mạnh từng ngày, hiện gà lông trắng là 31.000-32.000 đồng/kg (dịp Tết Nguyên đán là 40.000 đồng/kg), còn gà ta thả vườn là 45.000-70.000 đồng/kg tùy loại, giảm 20.000 đồng/kg so với tháng 1-2021; trong khi đó giá cám tăng 10-15% so với cùng kỳ năm trước, do vậy nhiều hộ chăn nuôi gia cầm rơi vào cảnh thua lỗ.

Các hộ chăn nuôi vịt cũng chịu cảnh tương tự. Ông Bạch Văn Nghị ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) cho biết: Gia đình có hơn 200 con vịt đến kỳ xuất chuồng, nhưng mấy ngày nay không thấy thương lái tới mua nên phải mang ra các chợ trên địa bàn bán với giá 26.000-27.000 đồng/kg. Gia đình không thể nuôi lâu hơn, bởi mỗi ngày riêng chi phí thức ăn đến 320.000 đồng, bán với giá như vậy gọi là “lấy công làm lãi”.

Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng giá gia cầm giảm mạnh, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Hiện tổng đàn gia cầm của thành phố đạt gần 40 triệu con, nguồn cung cho thị trường tương đối dồi dào. Trong khi các nhà hàng, bếp ăn tập thể đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu tiêu thụ chậm, giá cả theo đó cũng giảm.

Giá trứng gia cầm giảm và khó tiêu thụ.

... đến chợ dân sinh

Khảo sát của phóng viên Báo Hànôịmới cho thấy, thời điểm hiện tại, nguồn cung gia cầm và trứng gia cầm tại các chợ dồi dào nhưng lượng mua rất ít.

Theo ông Nguyễn Bá Xuân, phụ trách chốt kiểm dịch động vật liên ngành tại chợ gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín), trong Tết Nguyên đán, trung bình mỗi ngày chợ tiêu thụ 30.000-40.000 con gia cầm, nhưng hiện nay chỉ còn 12.000-13.000 con/ngày. Còn bà Nguyễn Thị Ánh, tiểu thương ở chợ gia cầm Hà Vỹ cho biết: Ở chợ những ngày này, hầu như không có người mua, bởi nhu cầu tiêu thụ giảm, do các nhà hàng, bếp ăn tập thể đóng cửa. Giá cả thì giảm hằng ngày, hiện gà ta thả vườn loại ngon cũng chỉ bán được 75.000-80.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng/kg so với tháng 1-2020.

Tại các chợ dân sinh, giá gia cầm cũng giảm và tiêu thụ chậm, ông Phạm Văn Tám, tiểu thương tại chợ Chuông, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) nói với phóng viên Báo Hànôịmới, hiện nay, mỗi ngày, cửa hàng chỉ bán được 10-20 con gà và giá thì giảm tới 20% so với cùng thời kỳ năm trước.

Còn theo bà Nguyễn Thị Trang, tiểu thương bán gia cầm tại chợ Xanh, phường Văn Quán (quận Hà Đông), những ngày này nhu cầu mua gà làm lễ đầu năm của người dân rất ít, mỗi ngày tôi chỉ bán 5-10 con gà, giảm 50% so với những ngày trước Tết Nguyên đán và giá cũng giảm mạnh.

Gia cầm tiêu thụ tại chợ cũng đang gặp khó khăn.

Và những giải pháp

Để hỗ trợ tiêu thụ, gia cầm và trứng gia cầm cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội Nguyễn Thị Hảo cho biết: “Trung tâm đã triển khai các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân Hà Nội, địa điểm được đặt tại số 1 Hoàng Văn Thụ, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông. Từ ngày 18-2 tới nay, trung tâm đã hỗ trợ tiêu thụ hơn 30.000 quả trứng gà và chúng tôi tiếp tục duy trì chương trình…”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) đề xuất, các cơ quan chức năng cần tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi, đối với gia cầm nên phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm và hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật cho các trang trại để giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Thời gian tới, Hà Nội sẽ giữ ổn định tổng đàn gia cầm hiện có (khoảng 40 triệu con) và chú trọng phát triển chăn nuôi gia cầm ở Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ, Quốc Oai, Đông Anh, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Sóc Sơn. Bên cạnh đó, thành phố sẽ thúc đẩy việc xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ gia cầm, trứng gia cầm nhằm bảo đảm đầu ra thuận lợi, giúp nông dân ổn định sản xuất và tăng giá bán trên thị trường.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/991865/gia-gia-cam-giam-manh