Giá đường lập đỉnh, vì sao lợi nhuận TTC AgriS vẫn 'đi lùi'?

Mặc dù sản lượng tiêu thụ xấp xỉ một triệu tấn, doanh thu thuần tăng tới 62% nhưng lợi nhuận của TTC AgriS lại chỉ bằng 74% so với cùng kỳ niên độ trước.

Doanh thu của TTC AgriS tăng cao nhờ giá đường lập đỉnh. Ảnh: TTC AgriS

Doanh thu của TTC AgriS tăng cao nhờ giá đường lập đỉnh. Ảnh: TTC AgriS

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 niên độ tài chính 2022-2023 (1/6/2022-1/6/2023) của CTCP Thành Thành Công Biên Hòa (TTC AgriS, mã SBT) cho thấy, doanh nghiệp mang về 5.710 tỷ đồng doanh thu trong 3 tháng đầu năm 2023, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, mảng đường ghi nhận tăng trưởng doanh thu mạnh nhất (75% so với cùng kỳ), lên 5.180 tỷ đồng, nhờ giá đường liên tục tăng mạnh trong thời gian qua.

Sau khi đạt đỉnh 10 năm vào cuối tháng 3/2023, giá đường tiếp tục chinh phục mốc cao nhất kể từ tháng 9/2011 khi đạt mốc 26,8 US cent/pound hôm 27/4. Nguyên nhân giá mặt hàng này tăng phi mã đến từ việc lo ngại về nguồn cung toàn cầu khan hiếm, đe dọa duy trì áp lực lên lạm phát lương thực toàn cầu.

Doanh thu tăng trưởng mạnh nhưng lợi nhuận sau thuế của SBT trong quý 3 lại giảm 26% xuống 153 tỷ đồng. Kết quả này là do biên lợi nhuận thấp và chi phí lãi vay cao. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp giảm 5 điểm phần trăm so với cùng kỳ xuống 12%, kéo theo lợi nhuận gộp chỉ tăng 8% lên 659 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính tăng 82% lên 305 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính còn tăng mạnh hơn, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 502 tỷ đồng. Trong đó, lãi vay tăng 96% lên 359 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng nhẹ, cộng thêm là khoản lỗ hơn 11 tỷ đồng từ công ty liên kết trong khi cùng kỳ lãi gần 6 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng của niên độ tài chính 2022-2023, doanh thu của TTC AgriS tăng 40% so với cùng kỳ lên gần 18.000 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm 18% xuống 533 tỷ đồng. Lượng đường tiêu thụ đạt gần 996.000 tấn tăng 30% so với cùng kỳ. Trong đó, kênh xuất khẩu tăng 91% so với cùng kỳ, kênh công nghiệp B2B tăng 22,5%.

Tổng tài sản của SBT tại thời điểm 31/3/2023 đạt 29.716 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với đầu niên độ. Chiếm phần lớn là tài sản cố định (4.238 tỷ đồng), đầu tư vào công ty liên kết (hơn 2.500 tỷ đồng), chi phí trả trước dài hạn (1.238 tỷ đồng).

Tổng nợ phải trả là 19.309 tỷ đồng, tăng 7% so với thời điểm 30/6/2022. Nợ vay ngắn hạn tăng hơn 2.700 tỷ đồng lên mức 11.423 tỷ đồng. Nợ vay dài hạn giảm nhẹ xuống mức 2.345 tỷ đồng. Tổng nợ vay chiếm 46% cơ cấu nguồn vốn.

Công ty cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục tái cấu trúc nguồn vốn, tăng tài sản, giảm nợ và chú trọng kế hoạch huy động 20% vốn phần từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Cuối tháng 4, TTC Agris đã chính thức hợp tác chiến lược với Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng SMBC (Sumitomo Mitsui Banking Corporation). Theo thỏa thuận hợp tác, IFC và SMBC sẽ cùng tham gia hợp vốn tài trợ khoản vay vốn lưu động với quy mô 40 triệu USD cho TTC Agris.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/gia-duong-lap-dinh-vi-sao-loi-nhuan-ttc-agris-van-di-lui-post21248.html