'Gia đình trâu sum vầy, hạnh phúc' ở phố biển Quy Nhơn

'Gia đình trâu sum vầy, hạnh phúc' được xếp đặt trên bệ hoa rực rỡ chào đón Tết Tân Sửu giữa phố biển Quy Nhơn thu hút nhiều người dân và du khách đến tham quan.

 Tối 5/2, Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định khánh thành biểu tượng linh vật năm Tân Sửu - 2021 với chủ đề "Gia đình trâu sum vầy, hạnh phúc” giữa trung tâm phố biển Quy Nhơn.

Tối 5/2, Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định khánh thành biểu tượng linh vật năm Tân Sửu - 2021 với chủ đề "Gia đình trâu sum vầy, hạnh phúc” giữa trung tâm phố biển Quy Nhơn.

Lê Thị Kim Hà, sinh viên năm 4, trường Đại học Sư Phạm Quy Nhơn chụp ảnh lưu niệm bên "Gia đình trâu sum vầy, hạnh phúc". "Trước thềm năm mới 2021, em cầu mong dịch Covid-19 sớm qua đi để gia đình, bạn bè và người dân ở mọi miền đất nước đón xuân dồi dào sức khỏe, an lành và hạnh phúc", nữ sinh viên chia sẻ.

Công trình được xây trên khuôn viên rộng khoảng 4.000 m2, với thiết kế ở mặt chính diện gồm 9 chú trâu, gồm trâu bố, trâu mẹ và 7 trâu con, được xếp đặt trên bệ hoa. Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định, cho biết so với năm ngoái, biểu tượng linh vật năm nay được dựng trên diện tích rộng hơn, nội dung thể hiện nhiều và yêu cầu cũng cao hơn. Tổng kinh phí xây dựng biểu tượng linh vật và bắn pháo hoa hơn 2 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Tất cả đều có họa tiết tranh dân gian Đông Hồ cách điệu trên lưng, được tạo hình khỏe khoắn, hiền hòa. Trên lưng trâu mẹ có mục đồng thổi sáo, phía sau cụm biểu tượng là hình tượng trống đồng rực rỡ. "Tết đến, xuân về, tôi mong mọi người bình an, dịch bệnh sớm được dập tắt, ai cũng có công ăn việc làm, con cái học hành thành đạt để đất nước ngày càng phát triển", bà Đỗ Thị Hoa, công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn nói.

Cụm hoa tươi với 33 chủng loại hoa, lá, cây cảnh các loại, số lượng gần 21.000 chậu được sắp xếp, bài trí xen kẽ. Biểu tượng linh vật năm Tân Sửu và triển lãm ảnh nghệ thuật trưng bày từ ngày 4/2 đến 20/2 (23 tháng Chạp năm Canh Tý đến mùng 9 tháng Giêng năm Tân Sửu).

Ngoài ra, công trình có những hạng mục phụ như: Bộ chữ và cổng chào được cách điệu độc đáo từ số 2021; mô hình cách điệu nón lá Gò Găng; tổ hợp bánh chưng, mâm trái cây tết, suối hoa, sắc hoa xuân… thể hiện nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Mặt sau của cụm biểu tượng chính là chiếc thuyền vượt sóng vươn khơi và những con cá ngừ đại dương đang bơi. Mặt sau của trống đồng là hình tượng cầu vồng, bên trong là hình ảnh cột cờ Tổ quốc trên đảo Cù Lao Xanh (xã Nhơn Châu, TP Quy Nhơn).

Minh Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-dinh-trau-sum-vay-hanh-phuc-o-pho-bien-quy-nhon-post1181005.html