Gia đình suýt tan đàn xẻ nghé vì chồng bỗng dưng có biểu hiện 'lạ'

Khi vợ mang bầu nhiều người chồng không chỉ chán ăn, buồn nôn mà có người còn thay tính đổi nết, thích ngủ cả ngày… Chính hiện tượng nghén thay vợ này đã tạo nên những tình huống dở khóc dở cười thậm chí đẩy gia đình vào cảnh cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt.

Chồng bỗng dưng có biểu hiện “lạ”

Đầu tiên phải kể đến trường hợp của vợ chồng anh Nguyễn Hoài Nam (Hà Nội). Không chỉ chán ăn mà anh Nam còn có đầy đủ hiện tượng ốm nghén trong suốt 6 tháng đầu thai kỳ của vợ.

Trao đổi với PV, chị Nguyễn Hoài Thương- chị gái anh Nam kể: “Đợt đó, tôi từ TP.HCM về nhà mẹ để chơi thì thấy em trai xanh xao, mệt mỏi, nhìn thấy cơm thì ôm miệng nôn ọe, tôi thấy lạ lạ. Chưa kể khi tôi gắp miếng thịt gà vào bát em hét lên: “Gà gì mà tanh thế này. Đừng gắp cho em nữa”. Vừa nói xong, em chạy ngay vào nhà vệ sinh nôn thốc nôn tháo. Khi đó, tôi nghĩ đơn giản có thể do mệt mỏi, thay đổi thời tiết nên em trai mới như thế”.

Vợ mang bầu, anh Nam bỗng xanh xao mệt mỏi- Ảnh: Minh họa.

Vợ mang bầu, anh Nam bỗng xanh xao mệt mỏi- Ảnh: Minh họa.

Tình trạng của anh Nam kéo dài liên tục suốt một tuần. Chị Thương và Hải Yến (vợ Nam) mua đủ loại thuốc đau bụng cho anh Nam uống mà không đỡ. Khi đó, mọi người khuyên anh Nam đi khám, anh cứ lần lữa. Đúng lúc anh Nam đang phân vân thì mẹ anh đi du lịch về. Nghe kể thế, bà nhoẻn miệng cười: “Khổ lắm. Nam nó nghén thay vợ đấy”, khi đó mọi người mới hiểu ra sự việc. Riêng vợ anh Nam đỏ mặt, chỉ biết nhìn chồng rồi cười trừ.

Không chỉ gia đình anh Nam mà gia đình chị Hoàng Phương Linh (Nghệ An) cũng rơi vào trường hợp tương tự. Chị Phương Linh kể: “Tôi và chồng cùng quê, ngày mới cưới nhau chúng tôi thuê một căn hộ chung cư ở Mỹ Đình. Tôi làm nhân viên hành chính còn chồng tôi làm kỹ sư xây dựng. Khi mang bầu con gái đầu lòng, tôi không hề nghén ngẩm. Ai cũng khen tôi sướng. Tuy nhiên, tôi phát hiện chồng mình có những thay đổi nhất định”.

Theo lời kể của chị Linh, từ ngày chị bầu chồng chị lười biếng hẳn. “Hễ về đến nhà là chồng tôi lại nằm bẹp trên ghế sô pha kêu mệt mỏi các kiểu. Chưa kể, những món ăn tôi nấu trước giờ anh khen ngon, nay anh luôn miệng chê. Tôi nghĩ chồng mệt nên nấu đủ các món tẩm bổ, tuy nhiên chồng tôi hết chê mặn, ngọt, nhạt rồi lại chê khó ăn. Tôi nghe anh kêu ca mà đau đầu. Vì đang thai kỳ, chồng lại có biểu hiện “lạ”, liên tục bỏ ăn cơm nhà nên tôi sinh nghi chồng có bồ. Có hôm, tôi hỏi thẳng: “Có phải anh có người đàn bà khác?”, anh nói: “Chỉ là anh thấy mệt mỏi, chán chường thôi”. Tuy nhiên, lời giải thích của anh không đủ thuyết phục nên tôi khóc”, chị Linh nhớ lại.

Cũng theo chị Linh vì chồng thay đổi, chị lại trong thời kỳ bầu bí nên mối quan hệ giữa hai vợ chồng càng căng thẳng. “Ở nhà một mình tôi càng nghĩ linh tinh. Có lúc, nhìn thấy chồng lạnh nhạt, hờ hững, vô tâm nên tôi càng tin chuyện chồng có bồ là thật. Vì thế, tôi đã xách valy bỏ về ngoại”.

Cũng chính nhờ có mẹ đẻ mà chị Linh mới biết chồng nghén thay vợ. Ngay sau đó, chị Linh đã phải lập tức về nhà xin lỗi chồng.

Nhờ có mẹ mà chị Linh hiểu được chồng mình đang mệt mỏi thế nào- Anh: Minh họa.

Từ ngày được vợ thấu hiểu quan tâm, chồng chị Linh càng nghén ra mặt. “Qua giai đoạn nghén ngủ, chồng tôi chuyển sang thời kỳ ăn vặt. Có đợt chồng tôi ăn hết một lúc 3 nải chuối tiêu xanh. Thấy chồng ăn thế, tôi không khỏi khiếp sợ, tôi thương chồng nhiều lắm. Còn nữa, anh từng thích uống rượu nhưng từ đợt đó, chồng tôi ngửi mùi rượu là nôn thốc nôn tháo. Cũng nhờ có nghén mà anh bỏ hẳn các cuộc nhậu”, chị Linh cười.

Thấu hiểu và yêu thương

Theo các nghiên cứu khoa học mới đây, đàn ông nghén thay vợ với các biểu hiện: Ngủ nhiều, buồn nôn, ăn thức ăn lạ đến nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào giải thích chính xác được. Những người có hiện tượng nghén mà vợ không mang thai là do rối loạn về đường tiêu hóa. Ngược lại, trường hợp chồng nghén thay vợ có thể do trong tinh trùng của người chồng có một số enzym kích thích người đàn ông có khả năng thai nghén trong khoảng 3 tháng đầu khi vợ họ mang thai.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đặc biệt, người chồng có thể bị nghén tới hết thời kỳ mang thai của vợ (cho tới lúc sinh con). Cái này có tính chất di truyền bởi khi trứng và tinh trùng kết hợp với nhau tạo thành thai nhi, khi ấy nội tiết nhau thai truyền sang người mẹ, kích thích người mẹ thai nghén. Và khi đó các enzym có trong tinh trùng của người chồng kích thích người chồng nghén thay vợ.

Bàn về vấn đề này chuyên gia tâm lý Trần Ly lý giải, những người chồng nghén thay vợ là những người đàn ông vô cùng lý tưởng. Họ sẵn sàng làm mọi thứ để được san sẻ mệt mỏi với vợ, cho nên mới có hiện tượng nghén thay vợ. Do đó khi được trải qua một lần nghén thay vợ, được đồng cảm, thấu hiểu với những khó khăn, vất vả của vợ mình mỗi lần sinh nở sẽ càng thêm yêu và trân trọng những hy sinh của vợ hơn. Chưa kể, sau này khi con chào đời họ sẽ biết sẻ chia, hỗ trợ và luôn hoàn thiện mình.

Khải Nguyên

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/doi-song/gia-dinh-tinh-yeu/gia-dinh-suyt-tan-dan-xe-nghe-vi-chong-bong-dung-co-bieu-hien-la-a275994.html