Gia đình Samsung sẽ xử lý khoản thuế thừa kế cao kỷ lục trong lịch sử Hàn Quốc như thế nào?

3 người con của cố Chủ tịch Lee Kun-hee có thể sử dụng cổ tức hoặc bán bớt tài sản để có đủ hơn 9 tỷ USD thanh toán thuế thừa kế cho Chính phủ Hàn Quốc.

Là người đứng đầu đế chế khổng lồ Samsung, cố Chủ tịch Lee Kun-hee nhiều năm nắm giữ vị trí người giàu nhất Hàn Quốc. Theo Forbes, tài sản của ông ước tính có thể lên đến 20,7 tỷ USD. Theo luật pháp, người thừa kế của ông Lee sẽ phải khoản phí thừa kế lên tới 50% tài sản (sau khi đã nộp đủ bảo hiểm). Phần còn lại trong khối tài sản sẽ được chia cho các con trong gia đình ông Lee.

Ông Lee Kun-hee, người xây dựng đế chế Samsung Electronics.

Ông Lee Kun-hee, người xây dựng đế chế Samsung Electronics.

Mức thuế thừa kế của Hàn Quốc thuộc hàng cao nhất thế giới, chỉ đứng sau người hàng xóm Nhật Bản (55%). Vốn nổi tiếng là một quốc gia với nhiều chaebol, thuế thừa kế đem về cho ngân sách Hàn Quốc hàng triệu USD mỗi năm, mà trường hợp của Samsung dù không phải là duy nhất nhưng chắc chắn sẽ gây ra tiếng vang lớn nhất.

Hồi năm 2018, truyền thông quốc tế được dịp xôn xao khi 3 người thừa kế tập đoàn LG là Koo Kwang-mo, Koo Yeon-gyeong và Koo Yeon-su phải đóng thuế thừa kế lên đến 900 tỉ won (tương đương 795 triệu USD). Trong khi đó, con số mà người thừa kế Samsung phải đóng còn lớn hơn như vậy 11,8 lần.

Mức thuế thừa kế cao khiến các ông chủ chaebol phải đau đầu. Trên thực tế đã có trường hợp người thừa kế phải bán đi một số tài sản để lấy tiền nộp thuế cho nhà nước. Ông Cho Won-tae - người thừa kế Korean Airlines từ cha là Cho Yang-ho - từng phải từ bỏ quyền quản lý tại tập đoàn và bán cổ phần để trả thuế. Truyền thông ước tính mức thuế mà ông Cho phải trả để thừa kế Korean Airlines lên đến hơn 270 tỷ won (232 triệu USD).

Cũng phải bán đi cổ phần ở tập đoàn để có tiền trả thuế thừa kế như ông Cho là CEO của OCI Co., ông Lee Woo-hyun. Ông này từng phải từ bỏ vị trí cổ đông lớn nhất tại OCI Co. do bán bớt cổ phiếu để trả 200 tỷ won (tương đương 175,36 triệu USD) thuế thừa kế.

Một số tập đoàn tài phiệt Hàn Quốc khác cũng chịu chung cảnh thuế thừa kế cao ngất ngưởng có thể kể đến hãng sản xuất bao cao su Unidus, công ty sản xuất bấm mong tay Three Seven hay nhà sản xuất hộp đựng thực phẩm Lock & Lock Co.

Thuế thừa kế: Nguồn gốc sự ra đời của hàng loạt triệu phú trẻ tuổi

Để tránh phải trả thuế thừa kế, giới tài phiệt Hàn Quốc ngày càng có xu hướng chuyển giao cổ phần sớm cho con cháu trước khi qua đời. Điều này làm xuất hiện hàng loạt triệu phú trẻ ở quốc gia này, những người thậm chí còn chưa đủ tuổi trưởng thành đã nắm trong tay cổ phần tại các tập đoàn lớn.

Theo Bloomberg, trong 59 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc thì có đến 19 người chưa đủ 18 tuổi là con cháu của người đứng đầu đứng tên sở hữu cổ phần công ty. Đây là con số thống kê được rút ra từ cuộc điều tra năm 2019 với các doanh nghiệp có tài sản ít nhất 5.000 tỷ won (4,31 tỷ USD).

Có tài sản được người thân tặng lại nhiều nhất trong 19 người kể trên là chắt trai 16 tuổi của Huh Man-jung – nhà sáng lập GS Holdings với 20 triệu USD. Tại Hansae Yes24 – một công ty ngành thời trang và bán lẻ, 4 đứa trẻ là người thừa kế tập đoàn trong độ tuổi từ 2 đến 6 nắm giữ số cổ phiếu tương đương 1,3 triệu USD.

Cục thuế Hàn Quốc cho biết, chủ các tập đoàn tài phiệt đã chuyển giao tới 1.000 tỷ won (8,8 tỷ USD) cho con cháu dưới dạng quà tặng tính đến năm 2017. Con số này tăng 56% so với năm 2013, minh chứng cho xu hướng tặng cổ phần để né thuế thừa kế ngày càng trở nên phổ biến trong giới thương nhân Hàn Quốc.

Như Quỳnh

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/gia-dinh-samsung-se-xu-ly-khoan-thue-thua-ke-cao-ky-luc-trong-lich-su-han-quoc-nhu-the-nao-d139037.html