Gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn muốn tăng sở hữu tại Sasco

Công ty TNHH Thương mại Duy Anh, thuộc sở hữu của gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã đăng ký mua gần 3 triệu cổ phiếu SAS, tương đương 2,21% vốn doanh nghiệp.

Công ty TNHH Thương mại Duy Anh vừa đăng ký mua vào 2,9 triệu cổ phiếu của Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco). Số cổ phiếu này tương đương 2,21% vốn doanh nghiệp dịch vụ hàng không nói trên.

Theo thông báo từ công ty Duy Anh, giao dịch sẽ được thực hiện qua phương thức thỏa thuận và thời gian dự kiến là 25/8 đến 23/9 năm nay. Với mức giá hiện tại của cổ phiếu SAS là 24.000 đồng/cổ phiếu (cuối ngày 21/8), công ty Duy Anh dự kiến phải chi ra hơn 70 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ nói trên.

Nếu giao dịch này thành công, đây sẽ là công ty thứ 4 của gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn sở hữu vốn tại Sasco. Qua đó nâng tỷ lệ sở hữu của gia đình “vua hàng hiệu” tại đây lên hơn 47,5%.

 Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco). Ảnh: Hải An.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco). Ảnh: Hải An.

Công ty TNHH Thương mại Duy Anh hiện là một trong những doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” do gia đình ông Hạnh Nguyễn sở hữu. Trong đó, 2 cổ đông lớn nhất của Duy Anh là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) và bà Lê Hồng Thủy Tiên (vợ ông Hạnh Nguyễn); riêng IPPG sở hữu 90% vốn doanh nghiệp.

Hiện tại, cổ đông lớn nhất của Sasco vẫn là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với tỷ lệ sở hữu 49,7% cổ phần. Thông qua các công ty gia đình, ông Johnathan Hạnh Nguyễn hiện sở hữu khoảng 45,6% vốn công ty.

Ông cũng đang là Chủ tịch HĐQT của Sasco, trong khi vợ ông, bà Lê Hồng Thủy Tiên từng là 1 trong 4 thành viên HĐQT trước khi rút khỏi vị trí này vào cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 vừa qua.

Động thái gia tăng sở hữu của gia đình ông Hạnh Nguyễn tại Sasco diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp dịch vụ hàng không này đang bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.

Trong quý II vừa qua, công ty này chỉ thu về 60 tỷ đồng doanh thu, mức thấp nhất kể từ khi doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2016. Số thu quý II năm nay cũng đã giảm tới 91% so với cùng kỳ năm trước.

Biên lãi gộp của công ty giảm xuống còn 38%, tuy nhiên, nhờ 122 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính (tăng 14%) mà Sasco vẫn ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế đạt 36 tỷ đồng, giảm 79%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Sasco ghi nhận 584 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng sau thuế 52 tỷ, giảm lần lượt 59% và 80% so với cùng kỳ.

Lãnh đạo công ty lý giải, do hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu là kinh doanh hàng miễn thuế, bán lẻ và dịch vụ tại thị trường mục tiêu là sân bay Tân Sơn Nhất nên sự bùng phát và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành dịch vụ hàng không nói chung và công ty nói riêng.

Theo kế hoạch kinh doanh công bố hồi tháng 4, lãnh đạo Sasco dự kiến thu về 185 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho cả năm nay. Kế hoạch được đưa ra với điều kiện dịch bệnh kết thúc vào tháng 4 và lượng khách từ các thị trường mục tiêu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản giảm 50-100%.

Tuy nhiên, khi dịch có diễn biến phức tạp, Sasco đã phải thay đổi chỉ tiêu này xuống mức 23 tỷ đồng cho cả năm. Trong đó, dự báo của ACV cho biết lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất trong cả năm nay sẽ chỉ đạt 24 triệu lượt, giảm 42% so với năm trước.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-dinh-ong-johnathan-hanh-nguyen-muon-tang-so-huu-tai-sasco-post1123562.html