Gia đình ở Hà Nội xây biệt thự, mua ô tô từ lò ấp trứng gà

Từ công việc ấp giống gà, gia đình Nguyễn Thị Dung (SN 1987, Hoài Đức, Hà Nội) có kinh tế khá giả, xây được căn biệt thự 4 tầng, mua ô tô.

Xây nhà, mua ô tô nhờ làm nghề ấp giống gà

Nguyễn Thị Dung chia sẻ, gia đình chồng cô làm nghề ấp giống gà cách đây hơn 20 năm. Khi về làm dâu, cô nối nghiệp bố mẹ chồng và phát triển thành trại ấp giống như bây giờ.

Nguyễn Thị Dung trong khu vực ấp giống gà của gia đình.

Nguyễn Thị Dung trong khu vực ấp giống gà của gia đình.

Mỗi quả trứng để ấp giống có giá từ 2.000 đồng - 4.000 đồng. Sau khi mua về, vợ chồng Dung thực hiện phân loại và soi.

“Người thợ cầm quả trứng soi trước ngọn đèn, dùng mắt nhìn qua vỏ trứng để nhận biết phôi thai, nước ối, bầu hơi của quả trứng có đủ tiêu chuẩn nở hay không mới đưa vào lò ấp. Trong quá trình ấp, người thợ cũng phải điều chỉnh nhiệt độ phù hợp”, Dung nói.

Quá trình ấp lò được chia làm 3 giai đoạn: Khi vào trứng đảm bảo nhiệt độ từ 33,5-35 độ C; 4-5 ngày sau thì tăng dần nhiệt độ từ 37,5 đến 37,8 độ C.

Khi trứng sắp nở, giữ nhiệt độ từ 36,5 đến 37,2 độ C. Gà nở, Dung phân loại trống/mái để bán.

Những thùng bìa, đục lỗ thông hơi đựng gà chuẩn bị xuất bán.

Hiện tại xưởng nhà Dung có 7 máy ấp. Mỗi phiên ấp là 15 nghìn con. Mỗi tháng xưởng cho ra lò 8 phiên gà, tương đương 120 nghìn con gà.

Dung cho biết, vốn đầu tư cho hệ thống máy móc, lò ấp chỉ khoảng vài trăm triệu đồng nhưng vốn mua nguyên liệu có thể lên tới tiền tỷ/năm.

Ngôi nhà gia đình Dung đang sinh sống.

Theo Dung, làm nghề ấp giống gà cũng may rủi. Năm nào được giá, gà đẹp, doanh thu có thể được 3 - 4 tỷ. Trong đó bao gồm các khoản chi phí: Mua trứng, nhân công, vận chuyển… Tuy nhiên, nếu năm nào giá gà thấp, hỏng nhiều, có thể lỗ vài tỷ đồng.

Do gia đình có kinh nghiệm lâu năm nên Dung cũng học hỏi được nhiều kiến thức, hạn chế được rủi ro nhất có thể.

Hệ thống 7 lò ấp gà.

Vượt gần 2000 cây số về Hà Nội học nghề

Mười năm nay, Nguyễn Thị Dung còn được mệnh danh là cao thủ trong nghề soi giới tính gà. Đây là công việc phân loại gà mái và gà trống ngay từ khi mới nở.

Ngoài làm cho trại ấp của gia đình, Dung nhận lời soi giới tính gà cho các trang trại khác.

Cô tiết lộ, trung bình 1 năm, cô kiếm được nửa tỷ đồng từ công việc này. Mức thu nhập hấp dẫn nên 5 năm trở lại đây, nghề soi giới tính gà trở nên "hot". Nhiều người ở các lứa tuổi đến gặp Dung xin học nghề.

Gà đã được phân loại.

“Tôi dựa trên yêu cầu của công việc để đào tạo. Bởi nghề này đòi hỏi nhiều yếu tố như: Độ tuổi từ 18 - 25, nhanh tay, nhanh mắt, chịu khó. Đặc biệt, học viên không mắc các tật về mắt như: Cận thị, quáng gà, loạn thị...”, Dung khẳng định.

Theo Dung, người gặp các tật về mắt sẽ khó nhìn được mấu sinh dục của gà con. Nếu cố làm, họ chỉ nhìn được những con có đặc điểm chung chung. Những con gà bị biến dạng, họ nhìn không rõ nên hay bị nhầm.

“Bộ phận sinh dục của con biến dạng thường khó phân biệt. Tỉ lệ biến dạng chiếm 15 đến 18%. Cách phân biệt gà biến dạng học mất nhiều thời gian hơn”, cô nhấn mạnh.

Tính đến nay, Dung đã đào tạo được khoảng 20 người với tay nghề tốt. Có người vượt gần 2000 cây số, ra Hà Nội nhờ Dung dạy như trường hợp chàng trai Nguyễn Tấn Giang (SN 1996, Tiền Giang).

Tấn Giang học ngành Chăn nuôi - Thú y (Đại học Cần Thơ ), hiện làm cho một trại con giống. Chàng trai này đã tìm nhiều cách để phân biệt giới tính gà nhưng kết quả không khả quan.

Qua mạng xã hội Facebook, Giang biết Dung soi lỗ huyệt gà, sàng lọc giới tính với độ chính xác cao nên quyết tâm ra Hà Nội học. Đây là một trong số các học viên xuất sắc của Dung.

Nay, ngoài làm cho trại con giống, Giang làm thêm cho các nơi khác. Chỉ sau một thời gian ngắn, anh đã kiếm đủ số tiền bù lại học phí bỏ ra.

“Nghề này không có sách vở hay trường lớp nào dạy. Tất cả đều học truyền miệng, cầm tay chỉ việc”, Dung nói.

Học viên từng được Dung đào tạo, nay được cô thuê làm luôn cho gia đình mình.

Một người cũng khá nổi tiếng trong giới dạy soi gà là Đặng Thị Mến (SN 1988) cách nhà Dung 2km.

Học viên đến thuê trọ ngay gần trại ấp của nhà cô để học. Mỗi người học, cô thu 30 triệu đồng tiền công dạy trong 3 tháng.

Anh Minh - chồng Mến thường lựa những con gà thải loại với giá rẻ cho học viên thực hành. Ba tháng đầu, gà cho học viên thực hành được gia đình Mến cấp miễn phí nhưng ai chậm, học quá 3 tháng phải tự bỏ tiền mua gà.

Anh Minh thường lựa gà thải loại cho học viên thực hành.

Anh Minh cho hay, tuy học phí cao nhưng ai giỏi nghề chỉ cần làm vài tháng là thu hồi vốn. Những người mới vào nghề, thu nhập thấp nhất cũng trên 10 triệu đồng/tháng. Người có kinh nghiệm như Mến và Dung thì trung bình 60 triệu đồng/tháng.

Thái Minh - Huỳnh Phương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/gia-dinh-o-ha-noi-xay-biet-thu-mua-o-to-tu-lo-ap-trung-ga-673022.html