Gia đình lao đao, ông chồng thất nghiệp vẫn chờ thời cơ làm chủ

Tôi cũng không hiểu được tài năng của chồng tôi đến đâu nhưng tôi biết rõ anh ấy làm đâu hỏng đấy, kinh doanh gì thất bại nấy. Bây giờ, khi tôi đang bị giảm lương, thu nhập bấp bênh vì COVID-19, chồng tôi vẫn nằm ở nhà mơ làm 'ông chủ' chứ không chịu đi kiếm việc.

Hai vợ chồng tôi lấy nhau được 9 năm, cũng đã có 2 mặt con. Khi mới kết hôn, bố mẹ chồng mua cho chúng tôi căn hộ hơn 100m2, cả hai đều có việc làm ổn định nên kinh tế cũng dư dả. Nhưng khi con thứ 2 mới chào đời, đang làm công ty, chồng tôi bỗng than chán, cho rằng công ty o ép không cho anh ấy phát triển tài năng.

Vì thế, anh ấy bỏ việc, cùng bạn bè lập kế hoạch mở một chuỗi nhà hàng bán đồ ăn vặt với món chủ lực là “nem chua”, chè mít ở những điểm gần trường học, có nhiều giới trẻ. Anh vẽ với tôi một kế hoạch kiếm ăn có vẻ rất dễ dàng. Nhưng được 2 năm, 3 cửa hàng của anh ấy đều tan hoang. Anh ấy lấy lý do là vì bạn hùn vốn ăn chia không đều, mâu thuẫn trong chiến lược kinh doanh.

Nghỉ ngơi được hơn 1 tháng, anh ấy tiếp tục mở một xưởng sản xuất xúc xích sạch với mục tiêu đưa xúc xích ấy vào trường học, vào siêu thị. Xúc xích anh ấy làm quả có sạch và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thật, tuy nhiên, mùi vị cũng không khác gì các loại xúc xích khác, vì làm ăn “cò con” nên giá thành còn khá cao. Sau một hồi quảng bá, tiếp thị không thành, anh ấy nản, buông xuôi, bán rẻ xưởng cho một người khác.

Kinh doanh gì, thất bại nấy nhưng chồng tôi vẫn chỉ thích làm ông chủ. Ảnh minh họa

Kinh doanh gì, thất bại nấy nhưng chồng tôi vẫn chỉ thích làm ông chủ. Ảnh minh họa

Khỏi nói sau 2 lần kinh doanh thất bại, gia đình tôi sa sút đến mức nào. Chúng tôi phải bán căn hộ bố mẹ mua để trả tiền ngân hàng, rồi lại vay mượn, mua một căn hộ cũ chỉ có 30 m2 để 4 người "chui ra chui vào".

Tôi tưởng chồng tôi đã rút ra kinh nghiệm xương máu mà bỏ chí “làm ông chủ”, đi xin việc nhận lương. Nhưng chồng tôi vẫn cay cú ăn thua. Anh ấy về quê, sẵn miếng đất lớn của bà cô, anh ấy thuê rồi lật tung lên mở mô hình trang trại “vườn ao chồng”, với giấc mơ nuôi gà, lợn bằng giun quế...

Lần này, anh ấy mang sổ đỏ của cha mẹ đi vay ngân hàng. Cố gắng tin chồng một lần cuối, tôi đã cùng chồng bồi không biết bao thời gian, mồ hôi, tiền bạc vào cái trang trại ấy. Nhưng rồi cũng thất bại vì gà vịt, lợn đều bán rất khó... Chồng tôi thì không thích bán lẻ, cò con...

Sau một hồi sứt đầu mẻ chán không tìm được đường ra, tiền trả nợ ngân hàng không có, chồng tôi lại cho thuê lại trang trại. Để trả nợ ngân hàng, bố mẹ chồng tôi đã phải cắt già nửa mảnh vườn để bán.

Nửa năm nay, chồng tôi thở ngắn than dài trong nhà, nhất định không chịu đi làm thuê “tầm thường”. Anh ấy tiếp tục ngồi vẽ kế hoạch, tìm cơ hội để làm “ông chủ” để xứng tài năng, trí tuệ của anh ấy.

Mỗi lần tôi can ngăn thì chồng tôi đều gào lên: “Tôi tiêu tiền của tôi, của gia đình tôi, cô có quyền gì mà can thiệp”. Nhưng chồng tôi không tính suốt 9 năm nay, anh ấy không đưa tôi đồng nào để nuôi 2 con. Thậm chí, cả tiền ăn, tiền sống của chồng cũng đang dựa vào đồng lương tôi đi làm thuê mà có. Rất may thu nhập của tôi cũng không tệ nên có thể trang trải mọi sinh hoạt trong gia đình nhưng tôi chẳng dành dụm được bao nhiêu.

Dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến mọi ngành nghề, cơ quan tôi đang giảm lương 30%. Hiện giờ, tôi thắt chặt chi tiêu trong nhà, chỉ mua đồ ăn, mua sữa và những đồ dùng thiết yếu trong gia đình. Nhưng nếu một thời gian nữa các con đi học ở trường, học ngoại ngữ, phải trả một khoản lớn tiền học phí thì có lẽ không đủ. Đó là chưa kể nhỡ con bị đau ốm, tai nạn...

Tôi nói chuyện với chồng tôi thì anh ấy bảo: “Anh đang bàn với A, với B về một kế hoạch kinh doanh mới. Kinh tế khó khăn nhưng cơ hội của anh sắp đến rồi”. Tôi thực sự cạn lời.

Mấy ngày nay ở nhà cách ly xã hội, nhìn người chồng co chân lên ghế, xem phim hài, cười hềnh hệch mà tôi ngao ngán. Chồng tôi có thể chờ tháng sau, năm sau để có cơ hội làm ông chủ, nhưng các con tôi không thể chờ ăn một ngày, chờ học một tháng.

Tôi phải làm gì để có thể thay đổi ám ảnh làm “ông chủ” của chồng tôi bây giờ?

Theo Phunuonline

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/gia-dinh-lao-dao-ong-chong-that-nghiep-van-cho-thoi-co-lam-chu-1368919.html