Gia đình cứ vài năm lại chuyển đến một quốc gia khác

Cuộc sống của gia đình nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ là sự bất định, tốn kém nhưng cũng mang lại nhiều trải nghiệm quý giá, Loren Braunohler mô tả với CNN.

Nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ là nghề nghiệp đặc biệt điên rồ.

Tôi biết điều đó và kết hôn với đồng nghiệp. Chúng tôi mang theo con cái, vật nuôi và đồ đạc đến những nơi xa xôi trên thế giới vài năm một lần.

Tùy địa điểm, chúng tôi có thể đạp xe trên dãy Alps, đi bộ trên dãy Himalaya, lướt sóng ở Sydney hoặc thưởng thức món ăn Thái ngon nhất thế giới.

Những lần khác, chúng tôi sống ở những nơi có dịch sốt xuất huyết, dịch hạch hay thành phố lớn với mức độ ô nhiễm đáng báo động.

Tuy nhiên, bất kể ở đâu, một điều không đổi là chúng tôi có cơ hội xê dịch rất nhiều.

 Gia đình của Loren Braunohler đón lễ Giáng sinh ở Kiev năm 2020.

Gia đình của Loren Braunohler đón lễ Giáng sinh ở Kiev năm 2020.

Sống ở 9 quốc gia

Nhiều người không biết các nhân viên Bộ Ngoại giao là ai hoặc làm gì. Chúng tôi là FSO, có nghĩa là các nhà ngoại giao của Mỹ.

Có ngày, chúng tôi gặp những tên tội phạm chiến tranh, rồi các nhà lãnh đạo đáng kính vào hôm khác. Chúng tôi tiếp xúc với ngư dân Mozambique để bàn về vấn đề bảo tồn.

Chúng tôi tiến hành các vấn đề chính sách đối ngoại của Mỹ, cho những quốc gia khác thấy vị thế của đất nước.

Chúng tôi gần như luôn sống và làm việc tại các đại sứ quán, lãnh sự quán Mỹ ở nước ngoài. Đôi khi, chúng tôi đi công tác trong nước tại thủ đô Washington.

Loren và chồng Walter trong chuyến công tác từ Khartoum đến biên giới Ai Cập - Sudan năm 2008.

Tôi và chồng có tổng cộng 20 năm làm việc ở Bộ Ngoại giao Mỹ. Chúng tôi sống ở 9 quốc gia, học 6 ngôn ngữ và cư trú ở hầu hết lục địa (trừ Nam Cực).

Tôi bắt đầu sự nghiệp ở Mozambique và Venezuela, còn chồng khởi đầu ở Thái Lan, Iraq và Australia. Chúng tôi đính hôn ở Venezuela, kết hôn tại Thái Lan và hưởng tuần trăng mật ở Lào. Sau đó, chúng tôi cùng phục vụ ở Sudan, thủ đô Washington và Thái Lan.

Trong thời gian này, tôi xin từ chức để ở nhà chăm sóc gia đình.

Sau đó, chúng tôi sống tại Ba Lan, dành một năm ở Rhode Island - nơi đứa con thứ 4 chào đời và hiện phục vụ tại Ukraine.

Trong vòng chưa đầy một năm nữa, chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển nhà. Chưa biết nơi nào nhưng đó là điều thú vị đáng chờ đợi.

Gia đình Braunohler tới Phnom Penh, Campuchia cùng con trai đầu lòng năm 2011.

Là FSO, chúng tôi sống ở nhiều quốc gia với lịch sử, nền văn hóa hấp dẫn và khám phá những điều chưa biết.

Chúng tôi có được quyết định nơi mình sẽ đến? Câu trả lời là có và không.

FSO phải sẵn sàng đến bất cứ nơi nào Mỹ có đại sứ quán hoặc lãnh sự quán.

Khi bắt đầu, tôi được đưa cho danh sách gần 80 thành phố trên toàn cầu. Tôi đã phải xếp thứ tự 25 trong số đó. Mozambique là lựa chọn đầu tiên.

Với tôi, điểm đến tốt nhất trong danh sách là Oslo, còn khó khăn nhất là Liberia khi cuộc nội chiến diễn ra.

Từ quan sát sự kiện bầu cử ở các quốc gia đến làm việc theo hiệp định về biến đổi khí hậu với Trung Quốc, các vị trí hầu như luôn được lấp đầy mà FSO không bắt buộc phải nhận.

Khi lên chức cao hơn, FSO có cơ hội vận động hành lang vào các vị trí cụ thể ở những nơi nhất định. Tuy nhiên, gần như không ai có thể hoàn toàn kiểm soát số phận của họ.

Sự xáo trộn

Khi bắt đầu sự nghiệp, tôi và chồng đều độc thân. Cuộc sống thật đơn giản.

Bây giờ, chúng tôi có 4 đứa trẻ và chú chó săn lông vàng lớn. Mỗi lần chuyển nhà là cả núi hành lý cồng kềnh.

Trong cuộc sống của chúng tôi, mọi thứ đều xoay vòng, khi thì là trường học mới, lúc là ngôn ngữ mới hay vùng đất mới, ngôi nhà mới, những người bạn mới, môn thể thao mới.

Chúng tôi liên tục mua xe để phù hợp với nhiệm vụ mới nhất. Trang phục cũng phải thay đổi để phù hợp với khí hậu. Danh sách các loại vaccine cần tiêm cũng “ấn tượng” không kém.

Gia đình Braunohler đi dạo trên hồ đóng băng Strebske Pleso ở Slovakia năm 2018.

Suốt thời kỳ liên tục chuyển đổi này, các con tôi - 11, 9, 7, 2 tuổi - duy trì những thay đổi lớn trong cuộc sống cá nhân và xã hội. Chúng theo học các trường quốc tế nhỏ, tư thục đến trường công lập lớn của Mỹ.

Từ đi dép tông, mặc áo ba lỗ trong điều kiện ẩm ướt ở Đông Nam Á, chúng cũng phải thích nghi với nhiệt độ lạnh giá ở Đông Âu.

Pad Thái ngon biến thành borscht (món súp có nguồn gốc ở Ukraine, phổ biến ở nhiều quốc gia Đông và Trung Âu). Bể bơi biến thành đồi trượt tuyết. Rừng rậm thành lâu đài nghìn năm tuổi.

Cuộc sống của gia đình tôi không ngừng thay đổi. Điều đó có thể gây xáo trộn nhưng cũng có điều thú vị đi kèm.

Thế giới của các con tôi rộng lớn hơn rất nhiều so với những gì bố mẹ chúng từng trải qua. Chúng chứng kiến sự đói nghèo và giàu có. Chúng tiếp xúc với nhiều người mang quốc tịch khác nhau, nghe các ngôn ngữ khác nhau và bắt đầu khám phá truyền thống và tôn giáo mới.

Con gái Kate của Loren (ngoài cùng bên phải) tham dự bữa tiệc sinh nhật ở trường mầm non Ba Lan năm 2016.

Gia đình tôi đã có những cuộc phiêu lưu tuyệt vời nhất. Chúng tôi băng qua những cánh đồng lúa ở Ubud, Bali; tìm kiếm những ngôi nhà cổ tích dọc theo bờ biển Ireland; đi dạo trên những con đường mòn của Hong Kong; thăm những ngôi đền ở Phnom Penh.

Chúng tôi đi máy bay phản lực trên Biển Đen ngoài khơi Ukraine và dạo bộ trên những hồ nước đóng băng ở High Tatras của Slovakia.

Ảnh hưởng của dịch bệnh

Vậy chúng tôi đã bỏ lỡ điều gì?

Chúng tôi nhớ nhà, ông bà, người thân, bạn bè và sự dễ dàng của việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ.

Đó cũng có thể là người đưa thư, nước máy sạch, chăm sóc y tế tốt.

Để bọn trẻ quen với tình trạng chuyển đi liên tục, những người bạn của chúng tôi ở Benin đã sử dụng thuật ngữ “gia đình phiêu lưu”. Nó cũng mang lại sự kết nối ngay lập tức với các “gia đình phiêu lưu” khác khi họ di chuyển trên toàn cầu.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, cuộc sống của gia đình nhân viên Bộ Ngoại giao càng trở nên phức tạp. Chúng tôi chuyển từ Mỹ đến Ukraine vào mùa hè năm 2020.

Chúng tôi gặp khó khăn trong việc vận chuyển đồ đạc, các trung tâm vận chuyển thú cưng ở sân bay châu Âu bị đóng cửa. Khi đến nơi, chúng tôi không được phép liên lạc với người của Đại sứ quán Mỹ trong nhiều tuần.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không thể khám phá, gặp gỡ bạn bè mới, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tham quan bảo tàng, nhà hàng hoặc chỉ đơn giản là đến thăm trường học mới của các con.

Năm 2021, gia đình Braunohler đến thăm đảo Maalefushi ở Maldives.

Trước dịch, mục đích của chúng tôi khi chuyển đến Kiev là bay đến Italy, Tây Ban Nha và các điểm đến lân cận vào những ngày cuối tuần. Nhưng thay vào đó, chúng tôi khám phá các mỏ đá và rừng bị đóng băng bên ngoài Kiev trong mùa đông kéo dài của Ukraine.

Tôi tự nhủ rằng lối sống độc đáo này dạy cho các con cách chấp nhận, linh hoạt hơn và biết lăn xả với những thử thách không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Có lẽ chúng sẽ thấy mình là công dân toàn cầu và nhận ra có nhiều cách để sống viên mãn.

Đúng là công việc có phần “điên rồ”, chúng tôi cũng có cơ hội trải nghiệm rất nhiều góc độc đáo của thế giới này.

Như JA Redmerski từng nói: “Đôi khi, những kỷ niệm tuyệt vời nhất được tạo ra ở những nơi không chắc chắn nhất. Sự tự phát đáng giá hơn cả cuộc sống được lên kế hoạch tỉ mỉ”.

Loren Braunohler gia nhập Bộ Ngoại giao Mỹ với tư cách là nhà ngoại giao và từng làm việc tại Mozambique, Venezuela, Sudan, thủ đô Washington (Mỹ), Thái Lan. Sau một thập kỷ phục vụ tại cơ quan này, bà từ chức vào năm 2011 để trở thành người nội trợ và nhà văn chuyên viết về du lịch.

Thiên Nhi

Ảnh: Loren Braunohler

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-dinh-cu-vai-nam-lai-chuyen-den-mot-quoc-gia-khac-post1276936.html