Gia đình càng đông con càng ít bị bệnh ung thư

Nghiên cứu các dữ liệu về quy mô gia đình và bệnh tật, đặc biệt là bệnh ung thư ở 178 nước, các nhà khoa học đã phát hiện một 'quy luật' là gia đình càng đông con, nguy cơ mắc bệnh ung thư càng thấp nhờ tạo ra được môi trường tình cảm đặc biệt, hòa thuận.

Gia đình đông con giúp đàn ông giảm nguy cơ mắc các loại ung thư không liên quan đến chức năng sinh sản - Ảnh : Unsplash

Gia đình đông con giúp đàn ông giảm nguy cơ mắc các loại ung thư không liên quan đến chức năng sinh sản - Ảnh : Unsplash

Theo trang web của Đại học Zurich (Thụy Sĩ), sau khi phối hợp với các đồng nghiệp ở Đại học Adelaide (Úc) nghiên cứu các dữ liệu về quy mô gia đình và bệnh tật, đặc biệt là bệnh ung thư ở 178 nước, các chuyên gia của 2 trường đã phát hiện một quy luật đáng ngạc nhiên: so với các gia đình ít con thì các thành viên của các gia đình đông con ít mắc bệnh ung thư hơn. Điều này không chỉ ứng với bậc cha mẹ và con cái của họ, mà còn liên quan với những người thân khác sống chung trong một gia đình lớn.

Trước đây, y học biết rằng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở phụ nữ tùy thuộc vào số lần mang thai. Chẳng hạn, càng nhiều lần mang thai thì nguy cơ bị ung thư vú càng thấp. Còn trong khuôn khổ nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học đã phát hiện tác dụng bảo vệ sức khỏe còn cao hơn ở nam giới: Gia đình đông con giúp đàn ông giảm nguy cơ mắc các loại ung thư không liên quan đến chức năng sinh sản.

Những kết luận của các nhà khoa học là rõ ràng: Quy mô gia đình càng nhỏ, nguy cơ ung thư càng cao. Giáo sư Masiezh Henneberg, tác giả chính của công trình khoa học tại Đại học Zurich nhấn mạnh rằng mối liên hệ này không phụ thuộc vào thu nhập, mức độ đô thị hóa và tuổi tác. Ông giải thích rằng cuộc sống gia đình, mặc dù trong một số trường hợp có gặp phải stress, tuy nhiên vẫn giúp tạo ra một môi trường cảm xúc đặc biệt có ảnh hưởng tích cực đến sức đề kháng đối với bệnh tật. Nhờ vậy, ở “các gia đình đông con hơn, mọi người ít bị mắc một số loại ung thư, bao gồm cả ung thư não, bàng quang, phổi, dạ dày, vú, buồng trứng”.

Trong hàng triệu năm, con người ta đã thích nghi với cuộc sống trong một cấu trúc gia đình truyền thống có hai bố mẹ và các con cái. Sự phối hợp giữa cha và mẹ trong giáo dục và nuôi dưỡng con cái là một trong những biểu hiện đầu tiên của phẩm chất con người. Công trình nghiên cứu này của các nhà khoa học Thụy Sĩ và Úc cho thấy “việc các thành viên duy trì một cuộc sống gia đình lành mạnh cũng có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh ung thư”.

Vũ Trung Hương

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/gia-dinh-cang-dong-con-cang-it-bi-benh-ung-thu-99035.html