Gia đình bác sĩ trẻ miệt mài làm tấm chắn giọt bắn hỗ trợ tuyến đầu chống dịch COVID-19

Vốn xuất thân từ trường y, từng tham gia hỗ trợ công cuộc phòng chống dịch từ sớm, nữ bác sĩ trẻ đã vận động gia đình cùng thực hiện những sản phẩm thiết thực để gửi tặng các lực lượng chức năng và người dân ở các điểm nóng dịch bệnh.

Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, gia đình chị Đỗ Phạm Nguyệt Thanh (ngụ phường 13, quận 4, TPHCM, hiện đang công tác tại Trung tâm Nghiên cứu y sinh, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cùng nhau làm hàng ngàn tấm chắn giọt bắn để gửi tặng các các lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch và người dân khu cách ly, khu phong tỏa trên địa bàn thành phố.

Chị Nguyệt Thanh cho biết, trong đợt giãn cách xã hội năm ngoái, chị đã tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC). Trong quá trình tham gia tập huấn làm việc, Thanh được các anh chị hướng dẫn làm sản phẩm hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, trong đó có tấm chắn giọt bắn. “Mình thấy sản phẩm này cũng đơn giản nhưng đem lại hiệu quả cao cho người dân cũng như các lực lượng chức năng làm việc ở tuyến đầu nên vận động mọi người trong gia đình bắt tay làm”, Nguyệt Thanh nói về “nguyên nhân ra đời” của các dụng cụ thiết yếu này.

Những ngày đầu, cả nhà hì hụi làm từ sáng tới tối cũng chỉ được 70 cái, do không quen và mất nhiều công sức để hoàn thiện từng sản phẩm. Dần dần, các thành viên quen với công việc mới này và làm năng suất hơn.

Những ngày này, từ sáng đến tối, gia đình Nguyệt Thanh tất bật với công việc chế tạo sản phẩm kính chắn giọt bắn. Các thành viên nhỏ tuổi trong gia đình cũng tham gia phụ những công việc vừa sức mình như dán decal, lau chùi sản phẩm trước khi đóng gói...

Những ngày này, từ sáng đến tối, gia đình Nguyệt Thanh tất bật với công việc chế tạo sản phẩm kính chắn giọt bắn. Các thành viên nhỏ tuổi trong gia đình cũng tham gia phụ những công việc vừa sức mình như dán decal, lau chùi sản phẩm trước khi đóng gói...

Mỗi người mỗi việc để chung sức cùng thành phố phòng chống dịch bệnh

Bà Phạm Thị Thơm (53 tuổi, mẹ của chị Nguyệt Thanh) dù sức khỏe không được tốt do mắc bệnh tim, thoái hóa cột sống nhưng cũng nhiệt tình làm việc cùng mọi người trong nhà. "Ngồi làm cả ngày rất đau nhức, nhưng qua đây tôi muốn góp một phần công sức động viên đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đã luôn cố gắng vì xã hội, cộng đồng. Ngoài ra, tôi cũng mong cộng đồng hãy cộng tác với cơ quan chức năng, chung tay làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh để chúng ta sớm ổn định cuộc sống.", bà Thơm bày tỏ.

Bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh cho biết thêm, ngoài các thành viên trong gia đình như mẹ, bác, các cháu thì còn có sự tham gia của những người nhân viên đang làm việc tại cơ sở kinh doanh của gia đình. Trong những đợt giãn cách xã hội như thế này, khi không thể về quê được, các anh chị ở lại thành phố và hỗ trợ gia đình Thanh làm nên các sản phẩm, công cụ phòng chống dịch.

Lúc đầu thực hiện sản phẩm theo chỉ dẫn của Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, qua quá trình làm việc, mọi người rút kinh nghiệm và cải tiến một số yếu tố để sản phẩm trở nên tiện ích, thân thiện hơn. Chẳng hạn như đặt các miếng mút có độ dày vừa phải để đảm bảo không gây quá nóng và cũng không quá sát với mặt kính; đồng thời thay đổi thiết kế từ dùng kim bấm sang dùng nút bấm để đảm bảo độ chắc chắn, an toàn và có thể sử dụng được nhiều lần. Cạnh đó, sản phẩm cũng sử dụng miếng dán (sau gáy) nhằm giúp người dùng dễ dàng điều chỉnh độ rộng, hẹp theo kích cỡ vòng đầu của mình.

Nữ bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh hăng say trong công tác nghiên cứu khoa học và xung kích trong hoạt động vì cộng đồng. Với nhiều thành tích tiêu biểu trong học tập, lao động, Nguyệt Thanh đã được trao tặng danh hiệu "Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM" năm 2020.

Trong quá trình thực hiện, Đoàn khối Ngân hàng TPHCM và Đoàn Cơ quan Thành Đoàn đã hỗ trợ nguồn vật tư, nguyên liệu để Thanh sản xuất

“Qua việc làm này, gia đình mong muốn góp phần nhỏ bé của mình vào công tác phòng chống dịch bệnh của thành phố. Dù làm cả ngày khá vất vả, mỏi mệt nhưng mỗi người đều hào hứng, vui vẻ vì đã chung tay làm nên những sản phẩm hữu ích cho cộng đồng, đóng góp sức mình cho lực lượng đang đang công tác tại tuyến đầu phòng chống dịch”, Nguyệt Thanh chia sẻ.

Đợt dịch trước, sản phẩm chủ yếu gửi tặng các bệnh viện, còn đợt dịch này tập trung gửi các chốt kiểm soát giao thông, người dân và các lực lượng chức năng tại các "điểm nóng" tại các quận Gò Vấp, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Bệnh và HCDC. Từ đầu đợt giãn cách xã hội năm nay, Nguyệt Thanh và gia đình đã làm và gửi đến các đơn vị hơn 4.000 sản phẩm trong tổng số 8.000 sản phẩm dự kiến làm đợt này. Trong năm ngoái, mọi người làm được khoảng 15.000 tấm và gửi đến hơn 15 bệnh viện trên toàn thành phố.

Ngô Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/gia-dinh-bac-si-tre-miet-mai-lam-tam-chan-giot-ban-ho-tro-tuyen-dau-chong-dich-covid-19-post1343189.tpo