Gia đình ảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành nhân cách của trẻ

TS Nguyễn Trọng Tuấn - Khoa Luật Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng: Gia đình có tầm ảnh hưởng nhất trong việc hình thành nhân cách cá nhân trong thời kỳ thơ ấu.

Các khách mời và đại biểu tham dự Hội thảo chụp hình kỉ niệm.

Các khách mời và đại biểu tham dự Hội thảo chụp hình kỉ niệm.

Ngày 26/9, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Nâng cao trách nhiệm của gia đình trong việc bảo vệ các quyền của trẻ em hiện nay”.

Hội thảo do Khoa luật Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức nhằm giúp các giảng viên, các chuyên gia và giới luật sư nhìn nhận, đánh giá sâu hơn về vai trò và trách nhiệm của gia đình trong việc thực hiện các quyền về trẻ em.

Tại hội thảo, gần 12 tham luận của các giảng viên trong và ngoài trường đã nêu nhiều vấn đề về các quyền của trẻ em, nguyên nhân khiến cho các quyền của trẻ em bị xâm phạm như sự biến đổi của môi trường văn hóa gia đình trong thời đại mới, tác động của gia đình đến việc hình thành tội phạm, những rào cản trong việc quyền trẻ em, nguy cơ của việc gia tăng tình trạng lạm dụng trẻ vì sự thờ ơ của gia đình…

TS Nguyễn Trọng Tuấn - Khoa Luật Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng: Gia đình có tầm ảnh hưởng nhất trong việc hình thành nhân cách cá nhân trong thời kỳ thơ ấu. Gia đình là nơi trú ngụ của hạnh phúc, cái nôi nuôi dưỡng và giáo dục trẻ thơ, nơi trở về sau mỗi lần vấp ngã của con người.

Tuy nhiên, nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự nói chung và hồ sơ các vụ án phạm tội về ma túy; xâm phạm sở hữu; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự cho thấy số đông các bị cáo đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt.

Thống kê của Tòa án nhân dân TP.HCM cho thấy, trong giai đoạn 2009 - 2019, tổng số vụ án hình sự đã xét xử của hai cấp là 59.609 vụ, trong đó số vụ án về tội ma túy có tỉ lệ cao nhất với 24.003 vụ chiếm tỉ lệ 40,26%; tội xâm phạm sở hữu có tỉ lệ cao thứ 2 với 21.571 vụ chiếm tỉ lệ 36,18% và tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự chiếm tỉ lệ thứ ba với 9,83%. Còn lại là nhóm các tội phạm khác.

Trong nhóm tội phạm về ma túy, nhóm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy chiếm tỷ lệ cao nhất 96,35% trong tổng số các tội phạm về ma túy; các tội phạm về ma túy khác chỉ chiếm 3,7% trong tổng số các tội phạm về ma túy.

Trong nhóm tội xâm phạm sở hữu, chiếm tỷ lệ lớn nhất là tội trộm cắp tài sản chiếm 68.18%, tiếp đó là tội cướp giật tài sản chiếm 19,64%; tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chiếm 4,8%; tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chiếm 3,01%; tội cưỡng đoạt tài sản chiếm 2,39%...

Hội thảo đã mang đến nhiều góc nhìn mới mẻ trong việc thực hiện Quyền trẻ em.

“Việc giáo dục của gia đình mang tính cá thể hóa rất cao. Cha mẹ là người gần gũi và hiểu rõ đặc điểm tâm lý của từng đứa trẻ. Tuy nhiên, mặc dù cơ quan chức năng có nhiều biện pháp tuyên truyền để đảm bảo môi trường gia đình lành mạnh, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập trong gia đình như: tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn, sống thử… gia tăng;

Các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình đang có biểu hiện sa sút; sự xung đột giữa các thế hệ trong gia đình về lối sống, bạo lực gia đình có chiều hướng phát triển; các tệ nạn đang xâm nhập vào các gia đình.

Chính những hạn chế này đã tác động đến việc hình thành nhân thân tiêu cực của người phạm tội như: sống bất cần, coi trọng vật chất, coi thường tình cảm và các giá trị đạo đức, thậm chí coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác.

Mặt khác, một đặc thù trong nền giáo dục tại gia đình tại TP.HCM là kiểu giáo dục cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng vào con cái, cho con cái vào các trường chuyên, trường điểm, hay học trường Quốc tế, đi du học, nhưng không phải trẻ nào cũng thích nghi được vào sự chọn lựa, kỳ vọng của bố mẹ…khiến nhiều em “rơi” khỏi sự yêu thương của gia đình dẫn đến xa ngã” - TS Tuấn phân tích.

ThS. Phạm Lê Duy Trường - Khoa Luật, Trường Đại Học An ninh nhân dân cũng nhìn nhận: Trẻ em Việt Nam có đầy đủ các quyền được bảo hộ, bảo vệ và chăm sóc. Nhưng chính sự lơi lỏng của gia đình, cách yêu thương giáo dục con chưa đúng cách của nhiều bậc phụ huynh đã gián tiếp khiến nhiều trẻ em bị tổn thương tâm lý, áp lực, trầm cảm… dẫn đến những hành vi không đáng có.

“Để đảm bảo đảm bảo quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu của trẻ em ở Việt Nam. Quyền trẻ em một cách đầy đủ, trọn vẹn các cơ quan, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu của trẻ em.

Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có hiệu quả, chú ý đến chiều sâu và chất lượng công việc. Tránh tình trạng nhận thức công việc này chỉ là của cơ quan chức năng” - Thạc sĩ Trường nói.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/gia-dinh-anh-huong-lon-nhat-den-viec-hinh-thanh-nhan-cach-cua-tre-pCNovvFMg.html