Gia đình 4 đời may cờ Tổ quốc tất bật chuẩn bị cho dịp lễ 2.9

Trải qua bốn thế hệ gồm cụ, ông nội, bố chuyên nghề may cờ, đã 23 năm nay gia đình anh Phục cung cấp hàng vạn lá cờ Tổ quốc mỗi năm, đặc biệt là vào những dịp lễ lớn của đất nước.

Tại làng Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Nội), có một gia đình 4 đời làm nghề may cờ Tổ quốc. Lá cờ họ làm ra rực đỏ mọi phố phường Thủ đô khi Cách mạng Tháng Tám diễn ra, trùng trùng trong nắng vàng Ba Đình lịch sử ngày 2.9 và các sự kiện lớn của đất nước.

Không khó để tìm ra nhà anh Nguyễn Văn Phục - một thành viên trong gia đình truyền thống làm cờ đó, khi mà không khí bận rộn chuẩn bị cho ngày Quốc khánh 2.9 đã lan tỏa khắp nơi đây.

Đôi tay người thợ đã hơn 20 năm trong nghề nhịp nhàng từng đường khâu, mũi chỉ. Loại vải may được gọi là vải sa, mua về từ La Cả, phường La Khê, quận Hà Đông. Những phần khác như tua rua, chỉ… được mua được từ làng Triều Khúc hoặc chợ Đồng Xuân.

Theo anh Phục, khoảnh khắc lịch sử của “làng cờ” Từ Vân diễn ra vào ngày 19.8.1945, khi cuộc tổng khởi nghĩa cướp chính quyền của quân và dân ta nổ ra, hàng vạn lá cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nẻo đường Thủ đô, từ đó làng Từ Vân nổi tiếng khắp vùng.

Tại làng Từ Vân, đến nay vẫn có nhiều em nhỏ đến nhà anh Phục để học nghề làm cờ Tổ quốc. Nhìn từng đường chỉ được chau chuốt, sự tỉ mẩn trên từng đường nét của các đôi tay trẻ, có thể tin vào một tương lai làng nghề Từ Vân phát triển mạnh hơn nữa chứ không manh mún vài nhà sản xuất như hiện nay.

"Có thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn, nghề thêu cũng lận đận mọi bề, lãi lời không được là bao nên nhiều người đã bỏ nghề. Riêng gia đình tôi, từ bé đã được bố mẹ truyền cảm hứng về niềm tự hào của nghề truyền thống, nên phải bằng mọi cách giữ được nghề", anh Phục tâm sự.

Gần ngày Quốc khánh 2.9 và ngày khai giảng năm học mới, các đơn đặt hàng khắp nơi đổ về, anh Phục phải thuê gần 10 nhân công làm việc ngày đêm để kịp tiến độ giao hàng cho khách.

Những chiếc lá cờ nhỏ cầm tay được sản xuất để chuẩn bị cho năm học mới. Giá bán tại nhà anh Phục cũng rẻ hơn nhiều nơi khác, sản phẩm cũng chất lượng hơn.

“Nghề làm cờ không giàu, nhưng biết may cờ thì ở đâu cũng sống được. Còn khi cố gắng làm và có tâm với nghề, mỗi sản phẩm làm ra đều phải đẹp, chỉn chu”, chị Đào Thị Duyên - vợ anh Phục chia sẻ.

Mỗi công đoạn làm cờ đều đòi hỏi độ chính xác cao, nếu tính toán không chuẩn thì sẽ hỏng cả lá cờ. Để đạt được độ chính xác cao tuyệt đối, anh Phục phải tính toán và xử lý các thông số từ máy tính.

Anh Nguyễn Văn Phục là người may mắn được làm lá Quốc kỳ rộng 54 m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, tung bay trên cột cờ Lũng Cú, tỉnh Hà Giang. Lá cờ nặng cân, nặng tình, treo trên điểm cực Bắc của Tổ quốc là niềm tự hào, cũng chính là động lực thôi thúc anh và gia đình tiếp tục truyền thống hơn 70 năm làm công việc dệt hồn cho Tổ quốc.

Các sản phẩm sản xuất tại cơ sở khá đa dạng, từ những chiếc lá cờ nhỏ đến cỡ đại. Hiện, nhà anh Phục có 2 máy cắt laser và hơn 10 máy khâu hoạt động hết công suất.

Theo anh Phục, sự nhẫn nại bám nghề cũng được đền đáp, hiện tại cơ sở vật chất để làm nghề may cờ Tổ quốc được hiện đại hơn. Gia đình anh cũng xây được ngôi nhà hai tầng khang trang, sắm đầy đủ tiện nghi trong gia đình.

Những đơn hàng gấp rút được đóng đi giao cho khách. Anh Phục cho biết, khách hàng chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, tuy nhiên cũng có khách ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam.

Thời điểm hiện tại, các kho hàng nhà anh Phục đã chất kín sản phẩm. "Trong tháng này, tôi đã xuất đi hàng vạn lá cờ lớn nhỏ", anh Phục hồ hởi nói.

Lê Hiếu

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/anh-gia-dinh-4-doi-may-co-to-quoc-tat-bat-chuan-bi-cho-dip-le-29-906178.html