Giá điện trung bình tăng thêm 8,36%, chuyên gia bày cách sử dụng điều hòa siêu tiết kiệm

Khi giá điện đột ngột tăng hơn 8%, đây cũng là lúc để chúng ta sử dụng điều hòa sao cho tiết kiệm điện nhất có thể.

Những ngày nóng nóng kéo dài cũng chính là khoảng thời gian hóa đơn tiền điện của nhiều gia đình tăng chóng mặt vì sử dụng nhiều thiết bị làm mát, trong đó có điều hòa. Tuy nhiên, khi giá điện đột ngột tăng hơn 8%, đây cũng là lúc để chúng ta sử dụng điều hòa sao cho tiết kiệm điện nhất có thể.

Nếu đang lo lắng hóa đơn tiền điện có thể tăng phi mã, bạn hãy thử áp dụng ngay các cách sử dụng điều hòa sao cho tiết kiệm điện dưới đây của Tiến sĩ Trần Văn Thịnh, Bộ môn Thiết bị điện, điện tử, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Chọn chế độ “Dry”

Chế độ Cool (biểu tượng bông tuyết - bên trái) và chế độ Dry (biểu tượng giọt nước, bên phải).

Chế độ Cool (biểu tượng bông tuyết - bên trái) và chế độ Dry (biểu tượng giọt nước, bên phải).

Tiến sĩ Trần Văn Thịnh cho biết, khi hoạt động ở chế độ “Cool” điều hòa sẽ lấy nhiệt nóng từ trong phòng để đẩy ra cục nóng bên ngoài, giúp làm giảm nhiệt độ trong phòng nên điện năng tiệu thụ khá cao. Ở chế độ Dry, điều hòa sẽ hút hơi ẩm ra khỏi phòng, trả lại không khí trong lành và khô ráo hơn nên tiêu thụ điện năng ít hơn chế độ làm mát.

Do đó, trong trường hợp nhiệt độ ngoài trời không quá nắng nóng (khoảng dưới 36 độ C) và độ ẩm cao, việc sử dụng chế độ Dry sẽ rất hiệu quả trong việc tạo cảm giác dễ chịu trong phòng, và tiết kiệm điện. Tuy nhiên, những ngày nắng nóng mà độ ẩm thấp thì việc sử dụng chế độ Dry không có ý nghĩa gì mấy bởi nó không có chức năng làm giảm nhiệt độ, khiến không khí trong phòng vẫn nóng, khó chịu và khi đó, lựa chọn duy nhất để làm mát là chuyển sang chế độ Cool.

Không bật tắt điều hòa liên tục, nên ngắt công tắc nguồn sau khi tắt

Nếu có thói quen để nhiệt độ lạnh sâu, chờ cho phòng thật mát, người sử dụng hay có thói quen tắt điều hòa và bật quạt, đến khi cảm thấy nóng thì lại bật máy một lúc thì mở điều hòa lại. Đây là một sai lầm làm tốn điện thêm và còn nhanh hỏng máy.

Khi khởi động, máy điều hòa phải tiêu tốn rất nhiều điện năng để bật máy nén, động cơ quạt và làm lạnh không khí đến mức nhiệt độ yêu cầu. Vì khi đó nhiệt độ trong phòng đã nóng lên vài độ, đến mức cơ thể cảm nhận được. Do đó, hãy luôn bật và tắt máy trước khi định ra ngoài khoảng 30 phút là hợp lý.

Người dùng cũng nên ngắt luôn Aptomat (công tắc nguồn) vì khi tắt bằng điều khiển, điều hòa vẫn tiêu thụ điện ngầm.

Tăng giảm nhiệt độ hợp lý

Nhiều người nghĩ rằng nên để cùng một chế độ nhiệt độ của điều hòa như vậy sẽ tiết kiệm điện. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai lầm. Theo khuyến cáo của cơ quan tiết kiệm năng lượng Mỹ, cách đơn giản tiết kiệm tiền điện nhất là bạn nên tăng nhiệt độ khi bạn không ở trong phòng. Hệ thống điều hòa hoạt động hiệu quả ở nhiệt độ cao trong thời gian dài.

Đặt điều hòa ở nhiệt độ cao nhất thì có thể tiết kiệm điện nhiều nhất, nhưng chỉ cần một chút thay đổi nhỏ nhiệt độ cũng làm gia tăng chi phí. Bộ Năng lượng Mỹ khuyến cáo, nhiệt độ trong phòng tốt nhất là 25 độ C.

Hạn chế thoát nhiệt qua khe hở

Khi bật điều hòa, nếu căn phòng trong nhà có khe hở, người dùng sẽ không thể mát nhanh và dễ bị thất thoát không khí lạnh ra ngoài.

Người sử dụng có thể tự kiểm tra bằng cách ra bên ngoài đặt tay vào cửa sổ, các kẽ hở của cửa ra vào. Nếu tay thấy mát thì chắc chắn không khí trong nhà lọt ra ngoài. Giải pháp được đề ra nhiều nhất để giải quyết vấn đề này chính là sử dụng sản phẩm lấp kín khe hở cửa. Nghe thì có vẻ lạ, nhưng trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm lấp kín khe hở hay còn gọi là ron cửa. Miếng ron chuyên dụng này có thể góp phần không nhỏ trong việc giúp tiết kiệm khá nhiều tiền điện máy lạnh cho gia đình bạn.

Duy Huỳnh

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/cong-nghe/cong-nghe-cong-nghe/gia-dien-trung-binh-tang-them-836-chuyen-gia-bay-cach-su-dung-dieu-hoa-sieu-tiet-kiem-5032322.html